Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:11
RSS

Cảm phục ông lão tật nguyền hơn 10 năm tình nguyện gác đường tàu

Chủ nhật, 08/10/2017, 19:00 (GMT+7)

Suốt 10 năm ròng rã, hình ảnh một ông lão dáng người nhỏ thó di chuyển từng bước khó nhọc trên đôi nạng gỗ làm nhiệm vụ gác đường tàu vào ra trên tuyến quốc lộ 5 đã làm lay động không biết bao nhiêu người.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàuÔng Nguyễn Văn Xá đã gắn bó với việc gác đường tàu hơn 10 năm ròng rã

Ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu

Một ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu là câu chuyện cảm động mà tôi được nhiều cán bộ đang công tác ở huyện An Dương (Hải Phòng) trong một dịp đi công tác về đây.

Ông chính là Nguyễn Văn Xá (trú tại thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng). Ông Xá năm nay đã ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ thó, 2 chân tật nguyền nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng lắm.

Ở cái tuổi như của ông, với nhiều người, niềm vui là được quây quần bên con cháu, an hưởng những tháng ngày nhàn hạ của cuộc đời nhưng với ông Xá thì khác, bất kể nắng mưa, ai đi qua đoạn trạm thu phí số 2 trên tuyến quốc lộ 5 vẫn thấy ông cần mẫn ngồi gác đường tàu để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cảm phục là thế, nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau hình ảnh đẹp đẽ ấy là cả một thời gian dài đấu tranh tư tưởng, thuyết phục người thân của ông.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu 2Ông Xá hầu như có mặt 24/24 ở "điểm nóng" thực hiện nhiệm vụ gác tàu

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ khi còn nhỏ, ông Nguyễn Văn Xá đã kém may mắn so với các bạn cùng trang lứa. Nhà nghèo, lại đông anh chị em, cuộc sống của ông Xá gắn liền với những  bữa cơm ăn không đủ lo.

Không những thế, khi lên 7 tuổi, trong một lần đi tiêm, ông Xá bị teo mất một bên chân trái. Cũng kể từ đó đến bây giờ, những bước đi của ông phải gắn liền với đôi nạng gỗ.

Nói về cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc gác đường tàu hơn 10 năm nay, giọng ông Xá trầm xuống. Theo ông, để có thể gắn bó được với công việc này suốt một thời gian dài như vậy kết quả của cả quá trình đấu tranh tư tưởng, đấu tranh với những lời ra tiếng vào của người dân cũng như sự phản đối của gia đình.

“Năm đó tôi cũng đã 60 tuổi, trong một lần tham gia sinh hoạt với các cụ trong Hội Người cao tuổi của thôn, tôi được nghe nhiều người kể về những vụ tai nạn thương tâm trên tuyến đường ngang dân sinh rẽ vào thôn Dụ Nghĩa.

Sau buổi sinh hoạt ngày hôm đó, tôi đã về nhà suy nghĩ nhiều đêm và quyết định làm đơn lên xã để bày tỏ nguyện vọng được ra đó canh gác đường tàu không công để giúp mọi người đi lại được an toàn hơn”, ông Xá chia sẻ.

Nguyện vọng của ông Xá vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía gia đình và người thân. Nhiều người cho rằng, việc canh gác đường tàu đối với một người khỏe mạnh còn khó khăn huống gì một người tật nguyền như ông.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu 3Mỗi khi có tàu đến, ông Xá lại thực hiện việc hạ barie và ra tín hiệu để nhiều người tham gia giao thông biết

Chính những cán bộ làm việc tại xã thời đó cũng đã từng nhiều lần khuyên ông nên từ bỏ ý định đó. Tuy nhiên, trước thái độ nghiêm túc khi đề đạt nguyện vọng của ông nên họ đã bằng lòng.

Ngày 9/9/2006, được ông Xá lấy làm ngày để ra quân thực hiện nhiệm vụ. Cũng kể từ hôm đó, cứ đều đặn 4h30’ hàng ngày, ông Xá lại có mặt tại điểm gác để chuyến tàu đầu tiên trong ngày chạy qua.

Công việc của ông chỉ kết thức vào lúc 22h khi chuyến tàu cuối cùng trong ngày đi qua chốt gác. “Trung bình mỗi ngày có khoảng 21 chuyến tàu ngược xuôi (cả tàu hàng và tàu khách) đi qua trạm gác.

Giờ giấc đối với tàu khách còn cố định nhưng đối với tàu hàng thì không biết lúc nào tàu qua nên hầu như lúc nào cũng phải giữ trạng thái tỉnh táo nhất phòng khi có tàu qua bất ngờ”, ông Xá chia sẻ.

Muôn vàn khó khăn, vất vả

Thời điểm vào những năm 2006 khi ông Xá mới bắt đầu nhận nhiệm vụ, khu vực gác tàu bây giờ hoang vu, hiu quạnh, bốn bề ngập toàn cỏ sậy cao quá đầu người. Để tiện lợi cho công việc, ông Xá mua tre nứa về rồi nhờ người dựng một túp lều tạm để che mưa nắng và túc trực tàu qua.

Cỏ cây rậm rạp cũng ảnh hưởng rất lớn đến tầm quan sát tàu qua của ông Xá. Để khắc phục hạn chế này, ông lại tự mình bỏ tiền túi ra để thuê người dân sinh sống hai bên đường tàu quan sát hễ có tàu qua thì liên lạc bằng điện thoại để ông hạ barie kịp thời, đảm bảo an toàn cho người qua đường.

Ông Xá thực hiện hạ barie khi có tàu đi qua

Nơi đây cũng thường xuyên là địa điểm tụ tập của những thành phần bất hảo trong xóm, ngoài thôn đến để hút trích. “Có những hôm tối trời, ngồi một mình trong lều, cứ nghĩ quẩn nếu có đối tượng nào đến “hỏi thăm” thì tôi cũng xác định là chịu chết, không kêu cứu ai được”, ông Xá hóm hỉnh chia sẻ lại.

Theo như ông Xá cho biết, việc gắn bó với nghề gác tàu tuy có nhiều khó khăn, vất vả nhưng cũng không khiến ông nản lòng bằng việc nhiều người dân trong thôn có nhiều dèm pha, bàn tán về công việc của ông.

“Họ bảo tôi rằng chỉ khéo “ôm rơm rặm bụng”, rồi thì ốc chẳng mang nổi mình ốc còn bày đặt mang cọc cho rêu. Những lời đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những người biết tôi làm việc thiện nên thường xuyên đến chia sẻ, động viên, nhiều khi họ còn mang cả cơm cho tôi ăn. Những lúc như thế, tôi cảm thấy có động lực để làm tiếp công việc này”, ông Xá cho hay.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu 4Ông Xá được trang bị điện thoại để nhận những cuộc gọi báo tàu đến

Thấu hiểu những khó khăn vất vả của ông, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hải Phòng đã khởi công xây dựng cho ông một căn chòi gác để ông tiện sinh hoạt cũng như hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông của khu vực.

“3 đứa con tôi lớn hết rồi, đã có gia đình riêng, căn chòi gác này giờ như ngôi nhà thứ 2 của vợ chồng tôi. 2 vợ chồng sinh sống, thay nhau làm việc chỉ mong sao giao thông qua khu vực này được an toàn.

Niềm vui nhất của tôi bây giờ chính là việc vợ tôi đã đồng cảm và thấu hiểu cho việc làm của. Nhiều hôm tôi có việc bận, chính bà ấy là người thay tôi canh gác tàu. Những việc ấy bây giờ có khi bà ấy còn thực hiện thành thạo hơn cả tôi ”, ông Xá cười hóm hỉnh.

Từng cứu sống nhiều người

Ông Xá kể, công việc của ông mặc dù có nhiều khó khăn vất vả nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất mỗi ngày đều là nhận được những sự ủng hộ của người dân đi qua. Không những thế, đã có nhiều lần ông từng cứu sống một vài trường hợp.

“Tôi nhớ nhất là sự việc cách đây cũng đã khá lâu rồi. Đó là vào năm 2013, người được tôi cứu là một người phụ nữ quê mãi tận Lạng Sơn xuống đây làm công nhân.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu 7Nhờ những cống hiến không biết mệt mỏi của mình ròng rã gần 10 năm qua, ông Xá đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban ngành

Khoảng 8 giờ tối hôm đó, khi đi kiểm tra đường tàu, tôi thấy cô ấy đang đứng trên đường ray nghe điện thoại. Do không để ý nên cô ấy không thấy tàu đang tới gần. Mặc dù tôi ra sức hét to nhưng cô ấy vẫn không nghe thấy”, ông Xá chia sẻ.

Thấy vậy, ông cố gắng chống nạng chống nạng lao đến vừa kịp xô cô gái ngã khỏi đường ray cũng là lúc đoàn tàu băng băng chạy qua. Do quá hoảng sợ, cô gái đã  ngất xỉu ngay trước mặt ông.

Một mình với đôi chân tật nguyền, ông Xá lại hô hào người dân đến để giúp đưa cô gái vào viện cấp cứu. “Lúc vào đến viện, các bác sĩ mới cho tôi biết cô gái ấy đang mang thai tháng thứ 3. May mà cả 2 mẹ con đều không sao cả, ông Xá nhớ lại.

ông lão tật nguyền 10 năm tình nguyện gác đường tàu 8Ông còn được phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" tôn vinh những đóng góp của mình

Bẵng đi được khoảng 1 năm, trong một lần đang đứng gác đường tàu, ông Xá ngỡ ngàng khi cô gái được mình cứu sống lúc trước cùng chồng đã trở lại tìm gặp ông để cảm ơn.

Nhờ những cống hiến không biết mệt mỏi của mình ròng rã gần 10 năm qua, ông Xá đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban ngành. “Cuộc đời chẳng có gì là dễ dàng, chỉ mong những đóng góp của mình sẽ góp phần giảm bớt tai nạn giao thông của người dân khi qua đây”, ông Xá tâm sự.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN