Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:20
RSS

Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc sau bão lũ

Chủ nhật, 29/09/2024, 16:41 (GMT+7)

Mưa bão, lũ lụt, thời tiết ẩm ướt… ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, đặc biệt là học sinh, trẻ nhỏ.

             Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc sau bão lũ

Đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh minh họa: INT.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ.

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh.

Những bệnh dễ mắc

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng - Bệnh viện Nhi Trung ương, với độ ẩm trong không khí tăng cao, thời tiết ẩm ướt có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ khác nhau. Đặc biệt, đối với những người có tiền sử về đường hô hấp, thời tiết ẩm ướt, mưa bão có thể tăng nguy cơ bị cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi...

Theo bác sĩ Hằng, một số bệnh dễ mắc trong mùa mưa bão, lũ lụt cần lưu ý:

Bệnh tiêu chảy cấp: Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác. Bệnh này cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh.

Đau mắt đỏ: Đây là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mùa mưa.

Sốt xuất huyết: Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Mùa mưa bão hằng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi.

Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy, loăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và xung quanh nơi ở sạch sẽ để không có nước đọng, tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Bệnh đường hô hấp: Đối tượng thường mắc bệnh nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp là đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Cảm giác khó thở tăng do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Đồng thời, ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám để điều trị, tránh biến chứng phức tạp.

Các bệnh về da: Một số bệnh thường gặp như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân do nấm ký sinh gây ra, mẩn ngứa... Trong đó, nước ăn chân do ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân.

Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết loét sẽ ngày một sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi, nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng xâm nhập da.

Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Bên cạnh đó, do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

Ngoài ra, chốc lở là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc sau bão lũ

Các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân trong bão số 3 tại Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN.

Lưu ý trong thời tiết ẩm và mưa nhiều

Theo Điều dưỡng viên Nguyễn Phương Nga - Bệnh viện Vinmec, trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, cần lưu ý chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và nhất là trẻ nhỏ. Việc chọn quần áo phù hợp là rất quan trọng để giữ gìn sức khỏe.

Nên chọn quần áo được làm từ chất liệu hút ẩm tốt, cho phép không khí lưu thông qua quần áo để hỗ trợ sự thoáng mát và giảm đổ mồ hôi. Ngoài ra, nên tránh mặc quần áo quá dày, bởi chúng có thể làm tăng độ ẩm của cơ thể và gây khó chịu. Nếu phải đi ra ngoài trong thời tiết mưa, nên sử dụng áo mưa hoặc áo khoác chống thấm để giữ cho quần áo và cơ thể khô ráo.

Cách phòng tránh những bệnh dễ mắc sau bão lũ

Giáo viên Trường Mầm non Tuổi Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vệ sinh trường lớp sau bão số 3. Ảnh minh họa: INT.

Bên cạnh đó, nên chú ý đến việc thay quần áo thường xuyên, đặc biệt là sau khi vận động hoặc làm việc vất vả. Việc thay quần áo giúp giảm đổ mồ hôi và tăng cường sự thoáng mát cho cơ thể.

Chú ý rằng, thoáng khí là một yếu tố để giữ cho cơ thể khô ráo và thoải mái trong thời tiết ẩm ướt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với đường hô hấp, vì độ ẩm cao trong không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Theo Điều dưỡng viên Nguyễn Phương Nga, để giữ cho cơ thể thoáng khí, có thể mở cửa sổ và cửa ra vào để tạo luồng không khí lưu thông qua nhà. Điều này giúp làm giảm độ ẩm trong không khí và giữ cho không gian trong nhà thoáng mát hơn. Sử dụng quạt để tạo luồng gió trong nhà.

Quạt giúp giảm độ ẩm trong không khí và giữ cho cơ thể thoáng mát. Sử dụng máy điều hòa không khí để điều chỉnh độ ẩm trong không khí trong nhà và tạo một môi trường thoáng mát.

“Uống nước đầy đủ là rất quan trọng trong thời tiết ẩm ướt. Nhưng tránh uống các loại thức uống có chứa cồn và caffeine, ăn uống cân đối và bổ sung các loại thực phẩm giàu nước. Uống nước trước, trong và sau khi vận động để duy trì độ ẩm cơ thể”, điều dưỡng Nga cho hay và thông tin, trong thời tiết ẩm ướt, vận động thể dục đều đặn sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, khi vận động thể dục trong thời tiết ẩm ướt cần lưu ý chọn trang phục thích hợp. Sử dụng giày thể thao chất lượng giúp bảo vệ đôi chân và giảm nguy cơ trượt. Chọn địa điểm vận động an toàn, tránh đi qua các khu vực ngập úng hoặc trơn trượt.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng về biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa bão, người dân bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng;

Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Ngọc Trang
Theo Giáo dục & Thời đại