Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:26
RSS

Cách làm lễ, khấn cúng hóa vàng tiễn ông bà, Tổ tiên ngày Tết

Chủ nhật, 29/01/2017, 07:00 (GMT+7)

Theo truyền thống, sau khi mời Tổ tiên về dự 3 ngày Tết với con cháu vào ngày 30 Tết, đến ngày mùng 3 Tết hoặc khi tiệc xuân đã mãn, con cháu lại cáo lễ để tiễn đưa Tổ tiên trở về âm cảnh.

Theo GS sử học Lê Văn Lan, mùng 3 vẫn là ngày Tết thầy, nên để tổ tiên vẫn ở lại ăn Tết với con cháu. Mùng 4 và mùng 5 mới là ngày tiễn các cụ về cõi vĩnh hằng.

GS Lan cho biết, tục hoá vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hoá vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian. Tục này nhằm cung cấp cho người đã khuất tiền, quần áo (giấy), gậy đi đường (cây mía).

"Các cụ về trời chỉ cần ít quần áo, vật dụng đi đường cùng 5-10 nghìn đồng", ông Lan bày tỏ.

Theo một số chuyên gia văn hóa phương Đông, việc chọn ngày làm lễ hóa vàng tùy thuộc vào mỗi gia đình, chủ yếu từ mùng 3 đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên đán. Điều quan trọng nhất là phải có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, phật. Theo quan niệm dân gian, có lễ tạ thì tấm lòng của chủ nhà mới được người âm chứng giám.

1. Chuẩn bị lễ cúng

- Hương, Hoa, tiền vàng, Mâm Ngũ Quả

- Trầu cau, Rượu, Đèn , Nến, Bánh Kẹo

- Mâm cỗ mặn, Bánh trưng, rượu thịt đầy đủ

- Có cây mía để các cụ gánh hàng hóa về trời

Sau khi lễ xong, hóa vàng phải hóa riêng phần tiền vàng cho Gia Thần trước, sau đó đến Gia tiên ( Tức ông bà cụ kỵ)

Mâm cỗ hóa vàng ngày Tết phải được chuẩn bị chu đáo

2. Văn khấn cúng lễ hóa vàng ngày Tết

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Kính lạy:

- Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật

- Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

- Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.

- Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long mạch, tài thần cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

- Chư gia Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, tiên linh nội ngoại.

Hôm nay là ngày mùng....... tháng Giêng năm ………….

Chúng con là…………………………………………………

Ngụ tại…………………………………………………………

Chúng con thành tâm sửa biện hương hoa vật phẩm, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

Kính cẩn tâu trình: Tiệc Xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hóa Kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên Linh trở về Âm giới.

Kính xin: Lưu Phúc, lưu Ân, phù hộ độ trì, Dương cơ Âm Mộ, mọi chỗ tốt lành. Con cháu được chữ bình an, Gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành vừa cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Phục duy cẩn cáo!

3. Hóa vàng thế nào cho đúng cách

Hóa vàng để tiễn ông bà Tổ tiên về âm cảnh là tập tục truyền thống của dân tộc ta

Ngày lễ tiễn ông bà, tổ tiên này rất quan trọng với người Việt. Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ, vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo… phải đợi đến này hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn, dễ thiu như thịt xôi…). Nếu đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm phải điều bất kính.

Sau khi lễ, việc hóa vàng cũng phải làm riêng. Phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước của tổ tiên để tránh nhầm lẫn. Tục xưa, tại nơi đốt vàn mã, người ta thường đặt vài ba cây mía dài để làm “đòn gánh” cho các linh hồn mang hàng hóa theo.

Chính vì ngày hóa vàng vô cùng quan trọng với người Việt cho nên mâm cơm cúng hóa vàng cũng rất đầy đủ như mâm cỗ chính của ngày Tết. Trong mâm cơm hóa vàng, con gà cúng phải to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Mâm cơm cúng cũng phải đủ món luộc, xào, canh, miến, cùng với bình rượu, li nước, lọ hoa, trầu cau, bánh kẹo và mâm ngũ quả để tiễn chân ông bà. Trong đó, nếu cúng mặn không thể thiếu con gà trống. Tiền âm, vàng mã cũng phải được chuẩn bị chu đáo để ông bà có hành trang, lộ phí để lên đường.

Quỳnh Anh (T/H)
Theo Đời sống Plus