Chủ nhật, 15/12/2024 | 00:28
RSS

Cách bấm huyệt đơn giản đánh bay cơn đau cho người viêm đa khớp dạng thấp

Thứ bảy, 14/12/2019, 08:44 (GMT+7)

Có rất nhiều phương pháp điều trị và hỗ trợ điều trị viêm đa khớp dạng thấp. Dưới đây là một số kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh viêm đa khớp dạng thấp.

Cách bấm huyệt đơn giản đánh bay cơn đau cho người viêm đa khớp dạng thấp

Viêm đa khớp dạng thấp là một chứng bệnh mạn tính, thuộc phạm dạng chứng tý trong YHCT bệnh gây ra do các tà khí Phong, Hàn, Thấp.... Bệnh thường phổ biến ở những người có độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.Trong số đó, bệnh nhân nữ, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhiều gấp 2-3 lần bệnh nhân nam.

Bệnh thường khởi phát và nặng lên khi người bệnh tiếp thường xuyên với môi trường lạnh, ẩm thấp.... Hiện nay hai nền Y học có rất nhiều phương pháp điều trị và hỗ trợ điều trị khác nhau. Dưới đây là phương pháp xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ điều trị chứng bệnh trên:

Xoa bóp

Người bệnh ngồi thả lỏng, nới lỏng quần áo,  chọn tư thế thoải mái nhất phù hợp với vùng được tác động.

Viêm đa khớp dạng thấp chủ yếu đau nhức các khớp lớn như: khớp háng, khớp gối, cổ chân, cổ tay....

Sau khi đã được chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, tư thế cần thiết, người bệnh sẽ tự tiến hành xoa bóp cho mình. Đối với khớp háng, gối, cổ chân thì có thể làm đồng thời hai tay trên một khớp. Còn khớp cổ tay, khớp vai, khớp khuỷu... thì tay này làm cho khớp đối diện. Các thủ thuật lần lượt gồm:

Tay xoa tròn trên trên khớp bị bệnh theo vòng xoáy chân ốc từ trái qua phải từ trên xuống dưới và ngược lại 3 – 5 lần.

Xát: Dùng ô mô ngón út, ô mô ngón cái, gốc bàn tay xát theo chiều từ trên xuống dưới và ngược lại quanh tổ chức bị bệnh 3 – 5 lần.

Day: Với thủ thuật này người bệnh dùng gốc bàn tay hoặc ô mô cái hoặc ô mô út để ấn xuống vùng da bị bệnh với một lực phù hợp theo đường tròn day 3 – 5 lần.

Vờn: Khum hai lòng bàn tay ôm lấy khớp bị  bệnh chuyển động hai tay với lực và hướng ngược chiều nhau với lực vừa phải làm 3 – 5 lần sao cho khớp ấm nóng lên là được. Đối với khớp cổ tay, khớp vai, khớp khuỷu... thì tay này làm cho khớp đối diện.

Bấm huyệt

Nguời bệnh gấp ngón cái 90o lần lượt ấn, bấm vào các huyệt theo phác đồ điều trị và các khu vực bị bệnh, mỗi huyệt bấm 1 – 3 phút, từ từ, thấm sâu, bấm chia thành nhiều thì khác nhau thì nhẹ đến nặng và ngược lại.

Lần lượt bấm các huyệt có tác dụng toàn thân như:

Huyệt Phong Trì: huyệt nằm ở vị trí trũng sau gáy ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm. Có tác khu phong, tán hàn, giải biểu, thanh nhiệt, thông nhĩ, minh mục, sơ tà khí.Trị các bệnh về tà khí,  đầu đau, cổ gáy cứng, cảm mạo, viêm khớp dạng thấp....

Huyệt Khúc Trì: Huyệt nằm ở tận cùng vị nếp gấp của khuỷu tay. Có tác dụng khu phong, trừ thấp, dưỡng huyết.... Trị khuỷ tay đau, cánh tay đau, chi trên liệt, viêm khớp, viêm khớp dạng thấp....

Huyệt Túc Tam Lý: Từ chỗ lõm đầu ngoài xương bánh chè xuống 03 thốn, cách xương mào chày 1 khoát ngón tay. Lý Tỳ Vị, điều trung khí, thông kinh lạc - khí huyết, phù chính bồi nguyên, bổ hư nhược, khu phong hóa thấp, điều hòa huyết. Trị dạ dày đau, nôn mửa, tiêu hóa kém, táo bón, ruột viêm, chi dưới yếu liệt, bệnh thuộc hệ tiêu hóa, viêm đau khớp, cơ thể suy nhược, thần kinh suy nhược.

Huyệt Phong Long: Đỉnh mắt cá chân ngoài lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài. Có tác dụng hòa Vị khí, hóa đờm thấp.Trị ho đờm, chóng mặt, suyễn, khó thở, ngực trướng, chi dưới tê liệt, cước khí, viêm đau khớp....

Huyệt Huyết Hải: chỗ lõm đầu trong xương bánh chè đo lên 2 thốn. Điều huyết, thanh huyết, tuyên thông hạ tiêu.Trị kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết, phong ngứa, da viêm, viêm khớp tại chỗ, toàn thân...

Huyệt Hợp Cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái. Có tác dụng giảm đau, thanh tiết Phế khí, khu phong....Trị ngón tay đau, ngón tay tê, bàn tay liệt, cánh tay liệt, đầu đau, răng đau, liệt mặt, amygdale viêm, khớp hàm dưới viêm, viêm khớp cấp mạn tính..

Ngoài ra căn cứ vào bệnh cảnh cụ thể của từng người, từng bộ phận trên cơ thể mà bấm thêm các huyệt ở khu vực bị bệnh. Nếu đau khớp háng bấm: Trật biên, Hoàn khiêu; khớp gối: Hạc đỉnh, độc tỵ, tất nhãn, huyết hải, dương lăng tuyền, âm lăng tuyền; khớp cổ chân: g iải khê, côn lôn, thái khê; khớp vai: kiên ngung, kiên trinh, thiên tông, tý nhu; khớp khuỷu: khúc trì, thủ tam lý, tiểu hải; khớp cổ tay: đại lăng,  dương trì, ....

Ngoài các huyệt trên người bệnh có thể tự bấm thêm các A thị huyệt: Chính là các điểm đau trội lên tại các vị trí khớp bị tổn thương mà khi dùng tay ấn vào sẽ cảm thấy đau hoặc rất đau.

Vận động khớp

Sau khi đã thực huyệt bấm huyệt, người bệnh nằm,  ngồi hay đứng một chỗ. Lúc này, người bệnh không nên vận động mạnh mà hãy thực hiện các động tác cử động sinh lý các khớp một cách nhẹ nhàng nhất để tránh tình trạng tê chân tay hay mỏi lưng  và linh hoạt các khớp.

Vận động khớp chính là một bước quan trọng của phương pháp bấm huyệt chữa viêm đa khớp dạng thấp.

Thời gian thực hiện của mỗi liệu trình vận động sau xoa bóp bấm huyệt sẽ diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút mỗi ngày. Người nên kiên trì thường xuyên thực thực hiện kết hợp với các liệu pháp thuốc, tập luyện, ăn uống theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc để tăng hiệu quả điều trị.

Liệu trình điều trị

– Mỗi ngày cần tiến hành xoa bóp theo hướng dẫn khoảng 30 – 45 phút .

– Một liệu trình thường kéo dài từ 15 – 30 ngày. Người bênh có thể áp dụng từ 2 – 3 liệu trình liên tục tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và mức độ phục hồi của bệnh nhân.

Lưu ý: Phương pháp xoa bóp bấm huyệt này  không áp dụng trong các trường hợp:  Người mắc bệnh ngoài da ở các vị trí khớp bị tổn thương, người đang mắc bệnh loãng xương nặng, bệnh ưa chảy máu, tiểu cầu quá thấp, bệnh nhân đang sốt cao.

Để bệnh tiến triển tốt ngoài dùng thuốc, tự xoa bóp bấm huyệt người bệnh cần kiêng cữ môi trường, đồ ăn làm khởi phát và nặng thêm bệnh như: môi trường ẩm, bùn đất, kho lạnh... Không ăn thịt gà, thịt chó, riềng mẻ, dưa cà muối...

LY, Ds Chu Văn Tiến (Hội Đông y huyện Vĩnh Tường)
Theo Đời sống Plus/GĐVN