Bấm huyệt chữa tai biến và di chứng tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương do lượng máu mang oxy và chất dinh dưỡng tới não đột ngột gián đoạn khi mạch máu não bị vỡ hoặc tắc. Não bộ tổn thương sẽ không thể hoạt động bình thường mà có thể ngưng hoạt động và hoại tử.
Ở mức độ nghiêm trọng, tai biến mạch máu não có thể khiến người bệnh tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Nhẹ hơn, cơn tai biến được điều trị kịp thời, người bệnh vẫn có thể phải gánh chịu các di chứng do tổn thương não. Những di chứng tai biến mạch máu não phổ biến nhất là méo mặt, liệt nửa người, nói ngọng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm,… Chỉ một số ít bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn sau tai biến mạch máu não.
Bấm huyệt meridian chữa tai biến mạch máu não
Hình ảnh minh họa đường năng lượng hoặc đường kinh (meridian) của cơ thể con người
Bấm huyệt là phương pháp sử dụng đầu ngón tay để kích thích huyệt, giúp cơ thể giải phóng năng lượng. Đây là một phương pháp điều trị thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc
Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành bấm huyệt lên các điểm nhất định dọc theo đường năng lượng hoặc đường kinh (meridian) của cơ thể để hỗ trợ bệnh nhân tai biến mạch máu não cải thiện chức năng chi trên, đồng thời hỗ trợ điều trị trầm cảm.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, bấm huyệt meridian là phương pháp đã được sử dụng để phục hồi khả năng hoạt động của các chi trên ở người bị tai biến mạch máu não liệt nửa người.
Phương pháp bấm huyệt chữa tai biến được thực hiện trong 2 tuần, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 10 phút đối với 28 bệnh nhân trong nhóm thử nghiệm. Nhóm đối chứng gồm 28 bệnh nhân khác chỉ được chăm sóc định kỳ. Khi bấm huyệt, các nhà trị liệu dùng lực tay với thang điểm cơn đau là 15, kết hợp với điện tâm đồ để cải thiện phạm vi chuyển động của các chi trên cũng như khả năng sinh hoạt hàng ngày và các vấn đề tâm lý như trầm cảm sau tai biến mạch máu não.
Kết quả cho thấy, bấm huyệt meridian là một phương pháp can thiệp hiệu quả để cải thiện sự di chuyển của các chi trên bị ảnh hưởng, tăng hoạt động sinh hoạt hàng ngày và giảm trầm cảm của bệnh nhân tai biến mạch máu não liệt nửa người.
Bấm huyệt giúp ổn định nhịp tim của người bị tai biến
Không chỉ có tác dụng cải thiện khả năng hoạt động của các chi, cải thiện triệu chứng trầm cảm sau tai biến, bấm huyệt cũng giúp làm giảm nhịp tim hiệu quả hơn đáng kể so với dùng giả dược. Từ đó sẽ giúp bệnh nhân tai biến mạch máu não cảm thấy bớt căng thẳng và được thư giãn hơn. Đây là kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Các liệu pháp bổ sung trong y học của Mỹ
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã tiến hành bấm huyệt hàng tuần cho 16 bệnh nhân tai biến mạch máu não, sau đó chuyển sang dùng giả dược. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh được đo nhịp tim và huyết áp thường xuyên. Qua phân tích số liệu cho thấy, bấm huyệt .không có tác động đối với huyết áp (có thể do hơn một nửa số bệnh nhân tham gia dùng thuốc hạ huyết áp) nhưng đã có những thay đổi rõ rệt trong nhịp tim. Từ đó, các nhà nghiên cứu khẳng định, huyết áp giúp ổn định nhịp tim ở những người bị tai biến.
Cách bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não
Có thể thấy, các di chứng để lại sau cơn tai biến khá nặng nề. Một trong số những biện pháp được nhiều người lựa chọn chữa di chứng tai biến mạch máu não là bấm huyệt.
Bấm huyệt chữa di chứng tai biến mạch máu não là một trong những biện pháp hỗ trợ giúp người bị tai biến sớm lấy lại sức khỏe
Vị trí các huyệt địa thương, nghinh hương, nhân trung, thừa tương, đầu duy, bách hội
Theo kinh nghiệm của một số người đã từng bấm huyệt cho hay, nếu người bị tai biến có di chứng méo mặt, mồm, liệt dây thần kinh số 7 thì hãy bấm huyệt địa thương, giáp sa, nghinh hương, ế phong, tình minh, nhân trung, thừa tương, đầu duy, bách hội, bấm 1 lần/ngày.
Vị trí huyệt tình minh
Nên bấm huyệt liên tục trong vòng 15 ngày, sau đó nghỉ 2 ngày, rồi lại tiếp tục bấm huyệt cho đến khi sức khỏe được cải thiện.
Người mắc các di chứng lâu ngày cần bấm huyệt mỗi tuần 2 lần cho đến khi tình trạng tốt hơn.
Vị trí huyệt giáp xa
Lưu ý kết hợp áp dụng cả các thủ thuật xoa, miết, phân, hợp, véo, ấn, bấm.
Khi xoa bóp, có thể đặt người bị tai biến nằm hoặc ngồi và thực hiện theo thủ thuật trên, thời gian từ 10 - 15 phút ở vùng mặt.
Vị trí huyệt ế phong
Kết hợp xoa bóp bấm huyệt phần cánh tay hoặc bên chân bị liệt của người bị tai biến và bấm huyệt theo trình tự sau đây:
Cánh tay
Bấm các huyệt khúc trì (điểm tận cùng ngoài nếp gấp khuỷu), hợp cốc (nằm ở kẽ giữa xương đốt bàn ngón cái và ngón trỏ), mỗi huyệt làm khoảng 30s. Sau đó, xoa bóp từ bả vai đến cánh tay, mu bàn tay, ngón tay, kẽ tay liên tục. Ở mỗi vị trí, bạn thực hiện 3 lần.
Chân
Bấm các huyệt lương khâu (từ góc trên bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng lên 3cm), túc tam lý (từ góc dưới bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng xuống 4,5 cm), dương lăng tuyền (từ đầu dưới xương bánh chè đo xuống 3cm rồi đo ngang ra ngoài 1,5 cm), tam âm giao (từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn). Kết hợp xoa bóp cho người bị tai biến từ phần đùi đến khớp đầu gối tới cổ chân, bàn chân và các ngón chân. Mỗi vị trí cần thực hiện tối thiểu 3 lần.
Xoa bóp điều trị phục hồi di chứng tai biến mạch máu não
Tư thế người bệnh: nằm ngửa hoặc ngồi. Nguyên tắc là làm nhẹ nhàng, tăng dần mức độ. Thời gian một lần xoa bóp khoảng 20-30 phút.
Thao tác
Vùng đầu cổ:
Xoa vùng cổ cho nóng lên, day vùng cổ gáy 3 lần, sau đó bóp vùng cổ 3 lần.
Bấm các huyệt: bách hội (trên đỉnh đầu), tứ thần thông (4 huyệt ở trước, sau, phải, trái của bách hội 1 thốn), phong trì (từ xương chẩm C1 đo ra ngoài 2 thốn) mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.
Chi trên:
Dùng tay trái nâng cánh tay liệt của người bệnh, tay phải xát dọc mặt trong, ngoài, trước, sau cánh tay (từ dưới lên trên) 3 lần. Lăn dọc từ cổ tay tới bả vai trước sau 3 lần. Bóp từ trên xuống dưới trước sau 3 lần. Sau đó dùng ngón tay cái day mặt gan bàn tay và mặt mu bàn tay liệt, miết dọc kẽ ngón tay.
Bấm các huyệt khúc trì (điểm tận cùng ngoài nếp gấp khuỷu), hợp cốc (nằm ở kẽ giữa xương đốt bàn ngón cái và ngón trỏ), mỗi huyệt làm khoảng nửa phút.
Một tay giữ cố định vai người bệnh, tay kia nắm vào phần cánh tay bệnh nhân, vận động khớp vai bệnh nhân nhẹ nhàng theo các chiều của khớp. Sau đó, dùng một tay cố định cánh tay bệnh nhân, tay kia nắm cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp khuỷu. Tiếp theo là cố định cẳng tay bệnh nhân để vận động khớp cổ tay và các khớp bàn ngón với cách tương tự.
Chi dưới:
Xát dọc mặt trước, sau, trong, ngoài từ cổ chân tới đùi, mỗi mặt 3 lần; day mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; lăn mặt trong, trước, ngoài theo chiều từ dưới lên, mỗi mặt 3 lần; bóp dọc từ dưới lên cả 4 mặt, mỗi mặt 3 lần.
Bấm các huyệt lương khâu (từ góc trên bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng lên 3cm), túc tam lý (từ góc dưới bên ngoài của xương bánh chè đo thẳng xuống 4,5 cm), dương lăng tuyền (từ đầu dưới xương bánh chè đo xuống 3 cm rồi đo ngang ra ngoài 1,5 cm), tam âm giao (từ lồi cao mắt cá trong xương chày đo lên 3 thốn).
Một tay giữ cẳng chân bệnh nhân, tay kia nắm đầu gối bệnh nhân, nâng chân cho cẳng chân gập vào đùi, đùi gập vào bụng, làm khoảng 5-10 lần. Sau đó, một tay giữ gót bệnh nhân, tay kia nắm ngón chân bệnh nhân, quay cổ chân 2-3 lần, đẩy ngược bàn chân về phía cẳng chân 2-3 cái.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Cần có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa khi áp dụng các phương pháp này.