Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:37
RSS

Chuyên gia Đông y vạch trần sự thật về cây lạc tiên chữa bệnh tai biến 'thần kỳ'

Thứ năm, 01/03/2018, 06:29 (GMT+7)

Thời gian gần đây có thông tin về việc dùng cây lạc tiên và mo cau xông giúp chữa bệnh tai biến mạch máu nào. Thực hư của phương pháp này ra sao?

cây lạc tiên có chữa được bệnh tai biến 2
Ảnh, và chia sẻ từ facebook N.N.D.

Gần đây trên mạng xã hội có lan truyền về việc dùng cây lạc tiên xông để chữa bệnh tai biến. Theo đó, người đăng cho biết bố của chị đã 85 tuổi, bị tai biến và rất yếu, cứng hết chân tay, các cơ và xương nên cử động rất khó khăn, không tự ngồi, nằm, đi lại được, đi vệ sinh mất tự chủ nên luôn phải có người bên cạnh chăm sóc và hỗ trợ.

Gia đình chị nghe người mách nên đã lấy cây lạc tiên trải ra, đặt người bệnh nằm lên và đốt bên dưới bằng mo cau sao cho người bệnh thoát được càng nhiều mồ hôi càng tốt. Chỉ đến buổi thứ 3 mà đã gặt hái được kết quả "kỳ diệu", cụ ông đã tự đi lại được và thậm chí là tự leo cầu thang lên tầng 2.

Chưa biết thực hư ra sao nhưng những thông tin này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều người với số lượt chia sẻ "khủng khiếp" lên tới hơn 1 triệu lượt.


Clip xông cây lạc tiên chữa bệnh tai biến được chia sẻ trên mạng xã hội

Những tác dụng thực sự của cây lạc tiên

Theo GS.TS Dương Trọng Hiếu, Chuyên gia Y học Cổ truyền, lạc tiên có tên khoa học là Passiflora foetida L, họ chùm gửi, thường tự mọc ngoài tự nhiên, đặc biệt là ở các vùng đất ven các vùng núi, các bờ bụi, bãi hoang.

Trong dân gian, lạc tiên thường được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như cây hồng tiên, dây nhãn lồng, cây mắm nêm, dây chùm bao, dây bầu đường, dây đèn lồng…, thường mọc bằng cách bò dưới đất hoặc bám vào các loại cây khác. Đây là loại cây thường xuất hiện tại nhiều vùng đất hoang và có mặt ở khắp các tỉnh thành trên khắp nước ta. Loại cây này cũng thường được để sản xuất các loại thuốc đông dược hoặc tân dược. Các thành phần chính trong loại cây này là các chất Alcaloid, flavonoid, saponin...

Ở một số vùng, ngọn lạc tiên thường được thu hái và luộc ăn như một loại rau sạch. Còn theo y học cổ truyền, cây lạc tiên có tính mát, vị ngọt, hơi đắng, được xem là cây thuốc nam quý, thảo dược quý, cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên, không bị tác động bởi hoá chất hay phân bón nên rất an toàn.

Lạc tiên dùng làm thuốc được phơi khô để trị nhiều căn bệnh khác nhau: trị mệt mỏi, mắc chứng stress, trợ tim, làm dịu hệ thần kinh, trị ho, chữa viêm da, mụn mủ, ghẻ ngứa, trị đau nhức ở người cao tuổi, phụ nữ hành kinh sớm hoặc mãn kinh có tâm trạng không tốt, trị chứng mất ngủ...

Cây lạc tiên có chữa được bệnh tai biến như đồn thổi?

Trao đổi với PV Đời sống Plus, GS.TS Dương Trọng Hiếu cho biết cây lạc tiên không có tác dụng chữa được tai biến mạch máu não. Trong y học cổ truyền cũng không có bài thuốc hay thông tin nào như vậy.

GS Hiếu cho biết dù lạc tiên là một thảo dược quý có tác dụng an thần nhẹ nên thường được dùng phổ biến nhất là trị chứng mất ngủ... như đã chia sẻ ở trên nhưng chắc chắn không thể chữa được bệnh tai biến.

"Lạc tiên chỉ nên dùng uống giúp cho bệnh nhân an thần, dễ ngủ, ngủ sâu hơn mà thôi. Tai biến mạch máu não là bệnh lý thuộc hệ thần kinh phổ biến nhất, là tổn thương bên trong đâu thể chỉ xông cây lạc tiên và mo cau là chữa được"- GS Dương Trọng Hiếu nói.

GS Dương Trọng Hiếu cũng nhấn mạnh thêm: "Bệnh tai biến mạch máu não để chữa được rất khó, cần được chữa trị tại các bệnh viện chuyên khoa thì mới có hy vọng hồi phục hoặc hồi phục một phần. Còn đừng nên nghe theo các thông tin truyền miệng, không có cơ sở khoa học. Làm như vậy chỉ khiến người bệnh thêm mệt, tốn thời gian, công sức mà không đem lại hiệu quả gì''.

Một cụ ông đang được chữa bệnh tai biến bằng cách xông lá lạc tiên

Đồng quan điểm với GS Dương Trọng Hiếu, BS Nguyễn Văn Hùng (Bệnh viện Quân y 103) cũng phản đối các phương pháp truyền miệng như xông hay đắp thuốc để trị tai biến.

"Việc hồi phục của tai biến mạch máu não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như mức độ nặng – nhẹ của người bệnh, thời gian cấp cứu, khả năng đáp ứng điều kiện người bệnh, điều kiện chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân, ngoài ra còn căn cứ vào sự cố gắng trong tập luyện và phục hồi chứ không thể phụ thuộc vào việc xông cây lá hay đắp thuốc đơn giản như vậy được''- BS Hùng nói.

BS Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết thêm, tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn khu trú chức năng não tiến triển nhanh trên lâm sàng thường do mạch máu nuôi dưỡng một vùng não bị tắc hoặc vỡ làm vùng não đó bị tổn thương, hậu quả là phần cơ thể do vùng não đó chi phối bị rối loạn hoạt động thường gặp là liệt nửa người.

Bệnh thường xảy ra ở người trên 45 tuổi trong đó 2/3 xảy ra ở tuổi trên 65. Bệnh có tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh thần kinh và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau các bệnh tim mạch. Trường hợp qua cơn hiểm nghèo thì cũng để lại nhiều di chứng ở các mức độ khác nhau và dẫn đến tàn tật nhiều nhất.

Theo BS Hùng, thời gian vàng để điều trị bệnh nhân bị tai biến mạch máu não rất hẹp, trong 3 giờ phải tái thông dòng chảy để cứu vãn vùng não còn có khả năng hồi phục.

Nhồi máu não xảy ra do huyết khối ngăn chặn làm gián đoạn máu đến não và nhóm bệnh nhân trên 60 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (60%). Nhồi máu não khởi phát rải rác đều trong ngày nhưng thường tập trung nhất là vào ban đêm về sáng do buổi sáng cơ thể tiết ra nhiều hormon chuyển hóa, dễ xảy ra những cơn tăng huyết áp.

Bệnh nhân tai biến nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc thương tật suốt đời. Khi có triệu chứng ban đầu xảy ra, ít ai chịu đến BV ngay mà bệnh nhân thường đợi xem những biểu hiện này có qua khỏi hay không. Phần lớn bệnh nhân nhập viện sau 24 giờ, đặc biệt có khoảng 40% bệnh nhân nhập viện sau 72 giờ. Chỉ có 1,5% bệnh nhân nhập viện trong vòng 3 giờ khi xảy ra đột quỵ. Chính vì sự chậm trễ này có thể dẫn đến hậu quả tàn phế nặng nề như mất trí nhớ, liệt...


Video Chà xát các ngón tay theo cách này, gan thận và dạ dày tự khỏe không tốn một xu.

Khánh Ly
Theo Đời sống Plus/GĐVN