Thứ bảy, 18/01/2025 | 08:43
RSS

Các Sở, ngành của Thành phố hoàn thành nhiệm vụ công tác quí IV

Thứ tư, 29/12/2021, 16:35 (GMT+7)

Sáng 29/12, tại Hội nghị giao ban công tác Quý IV năm 2021 của UBND thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì, lãnh đạo các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thông tin kết quả công tác quý IV đối với từng lĩnh vực.

Sự kiện:
Hà Nội


Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trên 24.000 doanh nghiệp thành lập mới năm 2021

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, GRDP quý IV của Hà Nội ước tăng 6,69%; cả năm 2021 tăng 2,92% - thấp hơn kế hoạch là 7,5%. Đến ngày 27/12, toàn Thành phố giải ngân được 25.384,8 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch vốn Thành phố giao và đạt 60,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn Thành phố giải ngân tăng thêm được 4.055,7 tỷ đồng so với ngày 30/11/2021.

Tổng thu NSNN trên địa bàn năm 2021, lũy kế đến ngày 27/12/2021, là trên 261.800 tỷ đồng, đạt 111,2% dự toán Trung ương giao (104,2% dự toán Thành phố giao), bằng 104,6% so với cùng kỳ. Trong đó, các lĩnh vực có kết quả thu cao là hoạt động xuất nhập khẩu: trên 23.100 tỷ đồng, đạt 124,4% dự toán; từ dầu thô trên 1.900 tỷ đồng, đạt 157,8% dự toán; thu nội địa trên 236.756 tỷ đồng, đạt 109,8% dự toán Trung ương giao.


Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn báo cáo tại Hội nghị

Về phát triển doanh nghiệp, tính riêng tháng 12, Hà Nội có trên 2.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 46.000 tỷ đồng (giảm 3% về số lượng doanh nghiệp; tăng 124% về vốn đăng ký so với cùng kỳ). Tính chung năm 2021, ước tính có trên 24.000 doanh nghiệp (số đã ước là 25,19 nghìn doanh nghiệp) thành lập mới với số vốn đăng ký là trên 345.000 tỷ đồng (giảm 9% về số lượng doanh nghiệp; giảm 16% vốn đăng ký so với năm 2020); thực hiện thủ tục giải thể cho 3.075 doanh nghiệp (tăng 22%), 13.148 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 29%); 3.533 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 20%); 10.922 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 80%). Lũy kế trên địa bàn Thành phố có 324.000 doanh nghiệp. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục đôn đốc các đơn vị tổng kết tình hình thực hiện Chương trình hành động năm 2021 và xây dựng Chương trình hành động năm 2022. Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Chương trình hành động của UBND Thành phố. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022...

Tiếp tục quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, đến nay, Thành phố có 8/30 quận thuộc cấp độ 3 (cam) chiếm 26,7%, gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ; 21/30 quận, huyện thuộc cấp độ 2 (vàng) chiếm 70% và 1 đơn vị thuộc cấp độ 1 (xanh) chiếm 3,3%.

Trong tuần (từ ngày 22/12 đến 28/12), Hà Nội ghi nhận 12.230 ca, trong đó, có 4.127 ca cộng đồng, 7.394 ca trong khu cách ly, 696 ca tại khu phong tỏa và 13 ca nhập cảnh. Đặc biệt, ngày 28/12/2021, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là người nhập cảnh. Sau khi có kết quả xét nghiệm test nhanh, bệnh nhân được chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính đến nay, Thành phố đã tiêm được 11.767.691 mũi (không tính của Trung ương), bao gồm cả mũi tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại. Trong công tác quản lý, điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và tại nhà, tính từ 27/4 đến nay, đã tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 42.888 bệnh nhân; hiện đang điều trị 20.211 người…

Nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, Thành phố đã huy động nhân lực từ mạng lưới thầy thuốc trẻ, sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng khối ngành y với 2.234 người. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành tham gia trực tổng đài tư vấn hỗ trợ người bệnh điều trị tại cộng đồng với tổng số 400 bác sĩ, tình nguyện viên chia làm 28 đội phục vụ tại quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiếp nhận giải quyết trả lời, tư vấn người bệnh qua Tổng đài 1022 nhánh 3…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, tình hình dịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh. Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được Thành phố tổ chức quyết liệt; tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Tổ chức nhiều hoạt động trang trí chào năm mới 2022

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Sở đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô năm 2022 và ban hành kế hoạch tổ chức trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ chào năm mới 2022, chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tết Nguyên đán Nhâm Dần. Cụ thể, tổ chức 2 đợt trang trí, tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến phố. Trong đó, tuyên truyền cổ động trực quan chào năm mới 2022; thiết kế market và thực hiện trang trí tuyên truyền cổ động trực quan tại thành phố và chuyển quận huyện, thị xã…

Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao cũng tăng cường chỉ đạo, vận động các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan, trang trị chiếu sáng và tăng cường vận động các Tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động trang trí chiếu sáng các khu đô thị, mặt tiền trụ sở tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại. Tổ chức triển lãm tranh, ảnh có nội dung tuyên truyền kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Nhà triển lãm thành phố. Trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sẽ chuyển sang hình thức triển lãm online


Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng thông tin về công tác trang trí chào mừng năm mới 2022

Sở cũng giao các đơn vị nghệ thuật trực thuộc chuẩn bị các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn thành phố chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, Sở chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án tổ chức ghi hình phát trên truyền hình, các nền tảng công nghệ số hoặc tổ chức trực tiếp trên cơ sở bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Ông Đỗ Đình Hồng cho biết, hiện, Sở Văn hóa và Thể thao đang dự thảo văn bản tham mưu UBND thành phố Hà Nội về việc quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội… Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chủ động phòng dịch. 

Duy trì công tác vệ sinh môi trường dịp Tết

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Sở đã báo cáo công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị, chiếu sáng và trang trí đô thị trong dịp trước, trong, sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch bảo đảm vận hành hệ thống chiếu sáng, thực hiện trang trí chiếu sáng, trang trí hoa, cây cảnh, duy trì hệ thống thoát nước, cây xanh thảm cỏ trên địa bàn đang quản lý, bảo đảm phục vụ các hoạt động trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Ngày thành lập Đảng 3/2/2022; kịp thời khắc phục sự cố nếu có.


Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin về công tác vệ sinh môi trường

Đối với công tác vệ sinh môi trường, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng Kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ các hoạt động trước, trong và sau Tết Dương lịch 2022 và Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu phối hợp với UBND các phường, xã, các tổ chức, nhân dân thực hiện tổng vệ sinh toàn địa bàn đảm bảo đường phố, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Trong đó, UBND các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây nắm bắt tình hình, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong công tác tiếp nhận, xử lý rác thải tại các Khu xử lý tập trung Nam Sơn, Xuân Sơn. Về công tác chiếu sáng đô thị, Sở Xây dựng đã giao các đơn vị thực hiện bảo đảm tỷ lệ chiếu sáng 100% trên các tuyến đường, phố trung tâm, các địa điểm quan trọng. 

Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, do tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, các công viên, vườn hoa có thể sẽ hạn chế du khách và người dân đến thăm quan trong dịp Tết. Vì thế, công tác trang trí trong các công viên sẽ do các đơn vị đang quản lý tự cân đối thực hiện theo tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm những tháng cuối năm

Về kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, Thành phố đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, kế hoạch bảo đảm nguồn cung hàng hoá trong phòng, chống dịch, Sở Công Thương cũng ban hành các kế hoạch bảo đảm nguồn cung, giao nhiệm vụ cho các hệ thống phân phối bảo đảm hàng hoá dịp lễ, Tết.

Hiện nay, Thành phố đã dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với giá trị 39 tỷ đồng, gấp 3 lần tháng bình thường; hiện có 44 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với tổng giá trị hàng hoá là 18 tỷ đồng. Sở Công Thương cũng kết nối với 53 tỉnh, thành để đưa hàng hoá về Hà Nội phục vụ thị trường Tết.  Ngoài ra, triển khai bán hàng thương mại điện tử; bán hàng tại các chợ truyền thống, các điểm bán hàng OCOP… để phục vụ nhu cầu người dân.

Dự kiến, tình hình dịch Covid-19 vần diễn biến phức tạp, có thể lưu thông hàng hoá sẽ đối mặt khó khăn như thiếu nguồn nhân lực do nhiều đối tượng là F0, F1; giá hàng hoá gia tăng do giá đầu vào của nguyên vật liệu tăng… Vì vậy, Sở xác định bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Thành phố để nắm bắt diễn biến dịch, từ đó triển khai bảo đảm lưu thông hàng hoá phục vụ người dân trong mọi tình huống.

Sở Công Thương đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp sản xuất ổn định, hoạt động lưu thông bình thường; tổ chức các chợ hoa Xuân bảo đảm phòng chống dịch; hỗ trợ người nông dân Hà Nội và các tỉnh đưa hàng hoá vào các chợ, các điểm phục vụ Tết.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự dịp cuối năm


Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố phát biểu tại Hội nghị

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, Công an thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả phương án về đảm bảo an ninh chính trị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp về an ninh trật tự trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài trên địa bàn cả nước và thành phố.

Trong thời gian tới, Công an Thành phố sẽ xây dựng và và triển khai các phương án, kế hoạch, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô; đặc biệt là các hoạt động của các đoàn ngoại giao và hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong dịp Tết Nguyên đán.

Về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Thiếu tướng Đào Thành Hải cho biết, Công an thành phố đã triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ 15/12/2021.

Đồng chí lưu ý, trong dịp tết Nguyên đán, sẽ có một số loại tội phạm kinh tế nổi lên như: buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán hàng cấm (chủ yếu là pháo nổ trái phép)...; tội phạm ma túy cũng sẽ diễn biến phức tạp. Tội phạm lừa đảo qua mạng hiện cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Công an thành phố đã có kế hoạch cụ thể để phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả. Song, vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ nhất là tuyên truyền từ cơ sở để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Quỳnh Anh
Theo Hanoi.gov.vn