Thứ ba, 23/04/2024 | 15:51
RSS

Tự chế pháo nổ tại nhà, bé trai 14 tuổi bị dập nát bàn tay

Thứ tư, 29/12/2021, 15:54 (GMT+7)

Tự chế pháo tại nhà không may bị nổ, bàn tay trái của bé trai 14 tuổi bị dập nát. May mắn được bác sĩ cấp cứu, xử trí kịp thời, bàn tay bé trai không bị cắt cụt.

Theo nguồn tin trên sức khỏe & đời sống bé N.T.T. (14 tuổi, trú tại Trạm Thảm, Phù Ninh, Phú Thọ) được đưa tới cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng khó thở nhẹ, có vết thương phức tạp ở bàn tay trái. Bàn tay trái của nam bệnh nhi bị dập nát, xẻ đôi bàn tay từ vùng sát cổ tay đến bàn ngón tay, loét loang lổ, lộ gân xương, chảy nhiều máu.

Theo lời kể của mẹ bé, do không biết sự nguy hiểm và hậu quả của pháo tự chế, bé T. tự mua bột về và tự chế tạo pháo. Không may trong quá trình chế tạo, pháo bất ngờ phát nổ. Ngay sau đó, gia đình bé T. đã đưa con trai đến bệnh viện cấp cứu.

Tự chế pháo nổ tại nhà, bé trai 14 tuổi bị dập nát bàn tay

Bàn tay bé T. bị dập nát vì pháo nổ. Ảnh: BVCC.

Tại bệnh viện, các bác sĩ Khoa Chấn thương II nhận định, tổn thương của người bệnh rất phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời khả năng cao sẽ phải cắt cụt cả bàn tay trái. Tuy nhiên, em T. còn quá trẻ, nếu cắt cụt bàn tay sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của em. Điều này đã thôi thúc các bác sĩ thật cố gắng để bảo tồn được bàn tay của người bệnh. 

Ê-kíp đã hội chẩn, tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, cắt cụt toàn bộ ngón 4, bảo tồn các ngón còn lại. Hiện tại sau phẫu thuật, người bệnh ổn định.

Tự chế pháo nổ tại nhà, bé trai 14 tuổi bị dập nát bàn tay

Các bác sĩ thăm khám tình hình bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Chia sẻ trên Sức khỏe & đời sống, các bác sĩ Khoa Chấn thương II, BVĐK tỉnh Phú Thọ cho biết: Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân.

Bác sĩ khuyến cáo người dân cần chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ, không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và xã hội. Đồng thời, lực lượng chức năng và nhà trường nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp tử vong hoặc chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.

Tuệ Nhi
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại