Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:16
RSS

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Thứ hai, 25/07/2022, 09:14 (GMT+7)

Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh của dịch, nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là rất lớn.

Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Một trẻ nhỏ mắc bệnh đậu màu khỉ tại Israel. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Tại cuộc họp khẩn đánh giá tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới diễn ra vào chiều ngày 24/7, Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận hơn 16.000 ca mắc tại 75 nước và vùng lãnh thổ (gồm cả các quốc gia đang lưu hành dịch), trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Trong đợt dịch bệnh này, chủ yếu các ca bệnh được báo cáo là nam giới, đồng giới nam, lưỡng giới (99% xảy ra tại Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada) và những người có quan hệ đồng giới nam sống ở khu vực thành thị. Họ là những người tham gia trong nhóm mạng xã hội tình dục ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ. Ngoài ra, cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng ca bệnh tại các quốc gia khu vực Tây, Trung Phi.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.  WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có quy cơ thấp về bùng phát dịch. Tuy nhiên, với tốc độ lây lan nhanh của dịch, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng;

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng (đau đầu, sốt, nổi hạch, đau cơ, đau lưng, suy nhược) cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, cần chủ động tự cách ly tránh quan hệ tình dục;

Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng) có thể chứa virus đậu mùa khỉ; Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín, không nên ăn và tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc sản phẩm của động vật hoang dã hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh không được xác định là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.

Biểu hiện triệu chứng của bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Theo WHO, tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh đậu mùa khỉ theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung, tỉ lệ này cao hơn ở trẻ nhỏ. Hiện, bệnh đậu mùa khỉ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ giống với bệnh đậu mùa, do đó có thể sử dụng thuốc kháng virus bệnh đậu mùa để điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại