Ảnh minh họa.
Quyết định của WHO được đưa ra vào ngày 18/6 và thông báo trên Wedsite, trong bối cảnh trước đó chỉ vài tháng, bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ biết đến ở các nước khu vực Tây và Trung Phi, nhưng nay lại xuất hiện tại nhiều châu lục khác trên thế giới
Dự kiến vào ngày 23/6, WHO sẽ tiến hành họp khẩn cấp để xác định xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không.
Đây cũng là mức cảnh báo cao nhất mà WHO có thể đưa ra.
Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm tính đến ngày 15/6, WHO đã xác nhận có 2.103 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và một trường hợp tử vong tại 42 quốc gia trên thế giới, trong đó 84% số ca mắc được phát hiện ở châu Âu.
Theo WHO, số ca mắc trên thực tế còn có thể cao hơn.
Trước đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch đậu mùa khỉ, để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, WHO và các chuyên gia y tế đã đưa ra khuyến cáo về cách phòng bệnh đậu mùa khỉ nhằm hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Triệu chứng: Đậu mùa khỉ là một loại bệnh do virus truyền từ động vật sang người, tương tự như bệnh thủy đậu hoặc đậu mùa. Bệnh đậu mùa khỉ dễ nhận biết nhất thông qua những thay đổi trên da. Biểu hiện điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban, thường bắt đầu trên mặt rồi sau đó lan sang tay chân và các bộ phận khác của cơ thể. Bệnh trải qua các giai đoạn khác nhau và cuối cùng đóng vảy sau khi giai đoạn ủ bệnh của virus kết thúc.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh như nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ bắp và kiệt sức.
Các chuyên gia y tế cho rằng bệnh có xu hướng ít nghiêm trọng hơn bệnh đậu mùa. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ và khỏi trong 2-4 tuần mà không cần điều trị nhưng đôi khi có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn với người có hệ miễn dịch kém.
Các biện pháp phòng chống dịch đậu mùa khỉ: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.