Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:34
RSS

Bệnh đậu mùa khỉ đã trải qua quá trình 'tiến hóa siêu tốc'?

Thứ ba, 19/07/2022, 14:17 (GMT+7)

Một nghiên cứu mới cho thấy, virus đậu mùa khỉ đã biến đổi với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến bình thường và có khả năng đã trải qua một thời kỳ “tiến hóa siêu tốc”.


Ảnh minh họa/INT

Đây là căn bệnh hiếm gặp mà các nhà virus học cho rằng nó lây lan trong tự nhiên giữa khỉ và các loài gặm nhấm. Virus thuộc chi orthopoxvirus, có cùng họ và chi với virus variola – virus gây bệnh đậu mùa - và thường không lây lan xa ra ngoài Tây và Trung Phi, nơi bệnh lưu hành.

Tuy nhiên vào năm nay, đợt bùng phát dịch đầu tiên đã lan rộng ra ngoài châu Phi, khiến các nhà khoa học và lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngạc nhiên và bắt đầu phải cân nhắc xem có nên xếp đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không.

Là một loại virus DNA sợi kép lớn, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng sửa lỗi sao chép cao hơn nhiều so với virus RNA như HIV, có nghĩa là chủng đậu mùa khỉ hiện tại đáng lẽ mới chỉ có một số đột biến mới kể từ khi nó bắt đầu lây lan vào năm 2018. Nhưng sau khi thu thập DNA từ 15 mẫu virus đậu mùa khỉ và tái tạo lại thông tin di truyền của chúng, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ đột biến thực sự cao hơn họ dự kiến từ 6 đến 12 lần.

Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc da với vết thương hở trên da, dịch cơ thể, vật liệu ô nhiễm hoặc các giọt nước trong không khí tiết ra từ đường hô hấp của người bệnh. Nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh chưa từng có mới có thể cho thấy có điều gì đó đã thay đổi về cách thức virus lây nhiễm sang vật chủ của nó - và những đột biến mới có thể là một nguyên nhân.

Nhiều đột biến được các nhà nghiên cứu xác định cũng mang theo những manh mối cho thấy chúng có thể xuất hiện do sự tiếp xúc của virus với hệ thống miễn dịch của con người, đặc biệt là một họ của các enzym chống virus được gọi là APOBEC3. Các enzym này tấn công virus bằng cách buộc chúng mắc lỗi khi sao chép mã di truyền, một hành động thường khiến virus tự phân hủy.

Tỷ lệ đột biến của virus đã tăng lên vào năm 2018 và có một số giải thích tại sao điều này xảy ra. Có thể virus đã lưu hành trong cơ thể người ở mức độ thấp và kể từ đó đã tạo ra một loạt các đột biến mới thông qua các cuộc chiến của nó với các enzym.

Ngoài ra, virus có thể đã lây lan giữa các loài động vật ở các quốc gia không có bệnh dịch mà các nhà nghiên cứu không nhận thấy trong một thời gian khá dài và sau đó trong năm nay, nó đột ngột lây nhiễm trở lại con người.

Phương pháp điều trị trực tiếp cho bệnh đậu mùa vẫn chưa được thử nghiệm, nhưng các bác sĩ đang cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus và kháng thể lấy từ những người đã tiêm vắc-xin chống đậu mùa.

 

Đức Mạnh-Theo Livesicence
Theo Giáo dục & Thời đại