Thứ năm, 21/11/2024 | 21:39
RSS

Bộ Y tế hỗ trợ 11 triệu liều vắcxin tiêm phòng bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên

Thứ năm, 09/07/2020, 17:09 (GMT+7)

Tại buổi làm việc, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, quan điểm của Bộ là phải xử lý bệnh này nhanh nhất và an toàn nhất, đồng thời bền vững cho những năm tiếp theo.

Dịch bạch hầu có xu hướng lây lan

Ngày 9/7, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế đã có buổi làm việc đoàn công tác của  Bộ Y tế với các tỉnh Tây Nguyên để bàn các biện pháp khẩn cấp dập tắt dịch bệnh bạch hầu tại đây.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) đã ghi nhận 66 trường hợp, tăng 3 ca so với cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phòng chống bạch hầu cách đây 2 ngày.

Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Đăk Nông có số ca bạch hầu nhiều nhất, với 28 trường hợp, tiếp đó là Kon Tum, 24 trường hợp. Riêng tỉnh Gia Lai, với số ca được phát hiện là 17, ít hơn Đăk Nông và Kon Tum nhưng được nhận định là rất đáng lo ngại, vì có 1 trường hợp tử vong, 1 trường chuyển biến nặng đang được điều trị tích cực.

Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, ông Tấn cho hay, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (5,6%).

Theo TS Đặng Quang Tấn, các buôn làng có dịch đều là buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Khi chúng tôi đi thực tế thì thấy điều kiện đi lại rất khó khăn. Các làng không có phương tiện thuận lợi để đi lại.

Khi cán bộ y tế đến thì bà con thường xuyên không có nhà, khó cho công tác tiêm chủng. Bên cạnh đó thì việc các làng thường tập trung cầu kinh, ở các nhà liền kề, cũng là môi trường rất dễ để các ca có trùng bạch hầu lây lan trong cộng đồng.

Bà Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết hầu hết các ca bệnh đầu tiên ở đây xuất phát từ người lớn, ngoài ra, trong 14 ca có biểu hiện lâm sàng hầu hết là người lớn do thời điểm năm 91-95 tiêm chủng ở tỉnh này rất khó khăn. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ý thức và sự phối hợp của người dân trong phòng chống dịch bạch hầu còn hạn chế, do đó, bà nhận định thời gian tới, nguy cơ bệnh lan rộng là rất cao ở tỉnh này.

Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2019 có 5 ca, trong đó có 1 ca tử vong (là bệnh nhân của Đắk Nông). Năm 2020, người phụ nữ 52 tuổi ở huyện Lắk là ca đầu tiên mắc bạch hầu.

Hiện ngoài 4 tỉnh Tây Nguyên, còn Quảng Nam, Quảng Ngãi và Lâm Đồng có nguy cơ cao với bệnh bạch hầu. Tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có một số học sinh ở vùng dịch Đắk Nông theo học tại trường thuộc địa bàn Lâm Đồng, trong đó có cả học sinh có người thân mắc bệnh. Qua xét nghiệm chưa ghi nhận ca dương tính với bạch hầu nhưng nguy cơ lây lan là có. 

Tại tỉnh Quảng Ngãi, đại diện Sở Y tế tỉnh này cho hay năm 2019, toàn tỉnh có 31 ca mắc, 2 ca tử vong, riêng huyện Sơn Hà có 28 ca. Quảng Ngãi cũng triển khai tiêm vaccine diện rộng từ năm 2019, do đó, từ tháng 11/2019 đến nay không có ca mắc. Hiện tỉnh này đã triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho các huyện nguy cơ cao. Với huyện Sơn Hà, đang chuẩn bị triển khai tiêm phòng mũi 3 cho người dân. 

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Thời điểm vàng ngăn dịch

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về phòng chống dịch bạch hầu

 GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế trong buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về phòng chống dịch bạch hầu

Chia sẻ tại cuộc làm việc, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, có trường hợp đã tiêm vaccine phòng bạch hầu nhưng vẫn có vi khuẩn trong người và lây lan sang cho người khác. 

Theo PGS Lân, vaccine chỉ giảm tỉ lệ bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bạch hầu, việc phát hiện sớm là rất quan trọng, cùng đó, phải điều tra dịch tễ rất kỹ càng để lập tức truy vết, làm sao để những người tiếp xúc gần được kiểm soát bằng kháng sinh dự phòng.

Đồng tình quan điểm này, về điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho hay phải coi cách ly ca bệnh bạch hầu không khác gì với covid-19 trong đó, phải phát hiện sớm biến chứng của bệnh nhân.

Trong buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng quan trọng là truyền thông để thay đổi hành vi nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt ổ dịch; tập huấn cho cán bộ rất quan trọng từ kỹ năng tuyên truyền, phòng chống dịch và điều trị, uống thuốc dự phòng. 

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêm vắcxin làm giảm nguy cơ biến chứng, nguy cơ mắc bệnh ở người được tiêm nhưng mầm bệnh vẫn còn, nguy cơ lây lan cũng vẫn còn. Trong khi nếu uống kháng sinh dự phòng sẽ ngăn luôn nguồn lây chỉ sau 48 giờ.

Vì vậy ông Long yêu cầu cho uống kháng sinh dự phòng tại tất cả các điểm có ghi nhận bệnh nhân. Ngay chiều nay 9/7, chiến dịch tiêm ngừa vắcxin phòng bạch hầu diện rộng sẽ được triển khai với khoảng 4,7 triệu người từ 2 tháng tuổi tại 4 tỉnh Tây Nguyên được tiêm ngừa miễn phí, tổng cộng tiêm ngừa 11 triệu liều tiêm.

Sau chiến dịch tại Tây Nguyên, sẽ mở rộng tiêm tiếp tại 3 tỉnh nguy cơ cao kể trên. Ông Long cũng giao Bệnh viện Bạch Mai làm đầu mối mua huyết thanh đặc trị cho bệnh nhân bạch hầu biến chứng, tập huấn chuyên môn ngay cho bệnh viện các tỉnh do nhiều địa phương có dịch không ghi nhận bệnh nhân bạch hầu từ nhiều năm nay, có khó khăn trong chẩn đoán ban đầu.

Ông Long cũng cho rằng đây là thời điểm vàng ngăn dịch tại Tây Nguyên và ngăn lây sang các địa phương khác, việc triển khai chiến dịch tiêm ngừa bạch hầu cũng để năm sau, năm sau nữa... không có dịch bạch hầu.

Bà Huỳnh Nữ Thu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (địa phương có bệnh nhân bạch hầu tử vong), khẳng định tỉnh có trách nhiệm và sẽ tích cực triển khai chiến dịch tiêm ngừa. 6 năm trước chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiêm ngừa vắcxin sởi - rubella cho 14 triệu trẻ em và kết quả rất tốt, chiến dịch này hi vọng cũng như vậy.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN