Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:15
RSS

Người đàn ông quê Lạng Sơn bất ngờ phát hiện mắc bệnh phong khi đi khám

Thứ hai, 06/07/2020, 16:35 (GMT+7)

Sau 2 năm không tìm ra bệnh, người đàn ông quê Lạng Sơn ra Hà Nội xét nghiệm phát hiện mắc bệnh phong cùi.

Sự kiện:
bệnh phong

Bệnh phong cùi tái xuất ở Lạng Sơn

Bệnh phong cùi 'tái xuất' ở Lạng Sơn. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Theo thông tin trên pháp luật Việt Nam, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa xác nhận đơn vị mới tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt là một người đàn ông 35 tuổi, quê Lạng Sơn nổi nhiều tổn thương nốt sẩn đỏ, ấn đau, rải rác tay, chân, thân mình, nghi nhiễm "phong". 

Bệnh nhân này cho biết tình trạng trên đã diễn tiến hơn 2 năm. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi ở tỉnh nhà và ở Hà Nội với nhiều chẩn đoán khác nhau và điều trị rất nhiều đợt nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng tiến triển nặng, sức khỏe suy yếu dần.

Ngay khi tiếp nhận thông tin từ người bệnh, đồng thời tiến hành thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện tổn thương là các sẩn đỏ, ấn chắc, đau tại tổn thương, kích thước đa dạng từ 1-3 cm, phân bố rải rác khắp vùng mặt, tay chân bệnh nhân. Khi khám thần kinh cảm giác nông bệnh nhân bình thường, không sờ thấy các dây thần kinh nông sưng to nhưng mu bàn tay cả 2 bên đều rất khô, mất bóng.

Chưa chắc chắn bệnh tình, các bác sĩ tiếp tục chỉ định xét nghiệm rạch rái tai tìm vi khuẩn cho bệnh nhân thì đã ghi nhận kết quả bất ngờ là dương tính với bệnh phong.

Bệnh phong, còn được gọi là bệnh ma phong, bệnh hủi, phong cùi, bệnh Hansen... Đây là một bệnh truyền nhiễm mãn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên. Nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể. 

Cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc, nhưng người ta cho rằng bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh, nhưng đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Bệnh không di truyền và có thể chữa khỏi. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh phong rất lâu, trung bình 3-5 năm hoặc có trường hợp có thể 5 năm, 10 năm mới phát bệnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết trên Gia đình và xã hội, hiện nước ta có khoảng 3.000 bệnh nhân và người nhà sống trong các khu điều trị phong. Việt Nam có các trại phong ở Quỳnh Lập (Nghệ An), Vǎn Môn (Thái Bình), Sóc Sơn (Hà Nội), Phú Bình, Sơn La, Quy Hòa, Bến Sắn, Đắk Nông, Chư Prông... Đây là nơi các bệnh nhân phong cùng chung sống với nhau.

Hiện nay, bệnh phong đã giảm đến 90%, tuy nhiên, hàng năm vẫn còn sót lại vài trăm bệnh nhân phong mới. Các bác sĩ nhận định, đây chính là nguồn lây nếu chúng ta không tiếp tục chống phong thì bệnh phong sẽ quay trở lại. 

Y học vẫn chưa có vaccine phòng bệnh phong, vì vậy các biện pháp dự phòng được ngành y tế khuyến cáo bao gồm: Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị; Vệ sinh môi trường, ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể; Khi người ngờ có triệu chứng của bệnh (như thương tổn da kèm theo mất cảm giác nóng, lạnh, đau…), cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.

Thanh Mai (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN