Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:39
RSS

Dẵm phải cọc tre nhọn, người đàn ông mắc bệnh Whitmore

Thứ hai, 06/07/2020, 06:41 (GMT+7)

Bác sĩ đã lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phối hợp phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị Whitmore.

Dẵm phải cọc tre nhọn, người đàn ông bị vi khuẩn 'ăn thịt người' gây bệnh Whitmore
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Vietnamnet

Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang điều trị cho một nam bệnh nhân 53 tuổi mắc bệnh Whitmore. Theo bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bệnh nhân hiện vẫn trong tình trạng nặng nhưng các tạng suy đã có dấu hiệu cải thiện, đã giảm được liều thuốc co mạch mà vẫn duy trì huyết áp trong giới hạn cho phép.

Trước đó, theo báo NLĐ trong lúc đi làm ngoài đồng, bệnh nhân đã bị cọc tre nhọn ở bờ ruộng đâm vào bàn chân. Vết thương sâu, rộng, tạo đường hầm, sau đó nhiễm khuẩn và hoại tử.

Bệnh nhân đã điều trị 1 tuần ở nhà bằng kháng sinh nhưng bệnh tiến triển nặng hơn. Khi được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh nhân đã trong tình trạng suy đa phủ tạng, hôn mê sâu, suy hô hấp phải thở bằng máy, huyết áp không đo được, suy gan cấp, suy thận cấp; vết thương vùng chân trái nhiễm khuẩn, nhiều mủ và tổ chức hoại tử.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành xử trí cấp cứu để đảm bảo chức năng hô hấp, nâng huyết áp và các chỉ số sinh tồn khác. Các bác sĩ liên khoa đã hội chẩn, thống nhất nghĩ nhiều đến suy đa tạng do Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).

Bác sĩ đã lấy bệnh phẩm nuôi cấy tìm vi khuẩn, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh phối hợp phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị Whitmore. 

Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên, là căn bệnh chưa có vaccine dự phòng. Vi khuẩn gây bệnh có trong đất, đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore.

Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể con người, bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn với các mức độ khác nhau, bao gồm nhiễm khuẩn tại chỗ (khu trú), nhiễm khuẩn toàn thân (nhiễm khuẩn huyết), sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng.

Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn, phải dùng kháng sinh nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì 3 đến 6 tháng nữa.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN