Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:03
RSS

Bỏ túi ngay những nguyên tắc 'vàng' khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

Thứ hai, 06/07/2020, 13:38 (GMT+7)

Hải sản là món ăn bổ dưỡng và yêu thích của nhiều người, tuy nhiên nó cũng là món ăn dễ gây ngộ độc bởi những sơ suất trong quá trình chọn lựa, chế biến và tiêu thụ người người dùng.

Không ăn hải sản ở các vùng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc nước biển

Ngoài những vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất, có một hiện tượng tự nhiên chỉ xảy ra với biển, mà điều này có thể dẫn tới ngộ độc cho con người khi ăn hải sản gọi là “thủy triều đỏ”. Đây là hiện tượng nước biển đổi màu bất thường như hồng, tía, xanh lục, nâu hay đỏ. Nguyên nhân do một số loại tảo biển phát triển ồ ạt với số lượng lớn bất thường. Một số loại tảo có chứa chất độc.

Bỏ túi ngay những nguyên tắc vàng khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

Hiện tượng "thủy triều đỏ"

Lúc bình thường, hải sản có thể không có độc nhưng khi có thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ độc khi ăn phải. Do đó, khi đi du lịch hoặc mua hải sản, người tiêu dùng không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có "thủy triều đỏ", đặc biệt các loài động vật thân mềm có hai mảnh vỏ như trai, sò, ngao...

Chỉ nên ăn các hải sản được nấu chín

Bỏ túi ngay những nguyên tắc vàng khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

Nên ăn hải sản đã được nấu chín để đảm bảo an toàn

Hải sản sống có chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Bởi vậy, cách tốt nhất là bạn chỉ nên ăn hải sản khi được nấu chín. Một số phương pháp chế biến thực phẩm không bằng nhiệt nóng (như đun, nấu) nhưng vẫn có thể đủ tiêu diệt các vi trùng để cho phép ăn tươi. Tuy nhiên, với chế biến thủ công thì nhất thiết phải bằng đun nấu để tránh ngộ độc thực phẩm.

Chọn hải sản tươi sống

Hải sản là loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, giàu đạm, khi chúng bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thường sẽ nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh. Ví dụ như ở cá ngừ, cá thu khi vi khuẩn xâm nhập sẽ biến thịt của cá thành chất độc gây ngộ độc cho người ăn. 

Bỏ túi ngay những nguyên tắc vàng khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

Nên chọn loại hải sản tươi sống

Do đó, người tiêu dùng chỉ nên ăn thức ăn được chế biến hợp vệ sinh từ những loại hải sản còn tươi sống, sau chế biến ăn ngay để tránh việc vi khuẩn có hại xâm nhập. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên lưu ý các loại hải sản đông lạnh có thể an toàn về mặt vi khuẩn nếu được bảo quản lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi mua và chưa qua hạn sử dụng.

Tránh xa các loại hải sản được biết có thể chứa chất độc

Có loại hải sản luôn luôn có chất độc, có loại thường có hoặc thỉnh thoảng mới có chất độc. Tuy nhiên, bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống chúng ta không thể phát hiện có chất độc hay không, vì vậy với các loại hải sản này bạn cần biết và tránh ăn.

Bỏ túi ngay những nguyên tắc vàng khi ăn hải sản để tránh ngộ độc

Không ăn những loại hải sản nếu biết chắc chắn nó có độc

Các loại hải sản có độc như: Cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển… Người tiêu dùng có thể tham khảo các nguồn thông tin khác và hỏi thêm người dân địa phương. Các loại độc tố này thường không bị phá hủy bởi nhiệt nóng khi đun nấu và các biện pháp chế biến thông thường. Do đó, khi tiêu thụ vào cơ thể, có thể sẽ khiến người ăn phải bị ngộ độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN