Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:50
RSS

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì về bộ SGK trước nhiều ý kiến ĐBQH nêu

Thứ tư, 04/11/2020, 06:09 (GMT+7)

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và nhân dân, tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy để rà soát, tiến tới SGK hoàn thiện hơn.

Chiều 3/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó vấn đề Sách giáo khoa (SGK) lớp 1 nhận được sự quan tâm đông đảo của các ĐBQH. 

Tại hội trường, ĐBQH Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nhấn mạnh, việc biên soạn SGK là vấn đề rất lớn, có thể nói ngành giáo dục đã hết sức cố gắng nhưng có một số thiếu sót không thể tránh khỏi.

"Nhưng đây không phải sai sót ở mức độ nghiêm trọng, một số thiếu sót ở một số ngữ liệu phục vụ cho việc học âm vần chưa thật phù hợp chứ không phải tới mức nghiêm trọng, sai sót tới mức cần phải chuyển cơ quan điều tra, hình sự hoá việc sai sót này", đại biểu Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nhấn mạnh: "Ngành Giáo dục Việt Nam đã trải qua 4 cuộc cải cách lớn: 1950, 1956, 1979 và 2013, với nhiềm nhóm nội dung được cải cách. Trong đó việc thay đổi chương trình SGK luôn nhận được sự quan tâm của nhân dân. Tháng 9/2020, ngành Giáo dục bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sử dụng SGK mới cho học sinh lớp 1. Bước đầu thực hiện đương nhiên có những sai sót nhưng có nhiều bất cập nổi lên thì cần phải nhìn nhận lại".

Bên cạnh đó, vấn đề SGK cũng được một số ĐBQH khác nêu lên trong phiên họp chiều 3/11 với những ý kiến khác nhau.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì về bộ SGK trước nhiều ý kiến ĐBQH nêu

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ giải trình những ý kiến ĐBQH nêu.

Giải trình trước những ý kiến của các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu, sách Tiếng Việt lớp 1 thuộc Bộ Cánh Diều thời gian vừa qua được cử tri và nhân dân góp ý nhiều, thực tế Bộ kiểm tra và thấy ý kiến góp ý của nhân dân, các nhà khoa học, tầng lớp nhân dân. Bộ nhận thấy trong nội dung của sách Tiếng Việt lớp 1 – 1 trong 46 sách có những ngữ liệu chưa thật phù hợp.

"Chúng tôi đã yêu cầu ngay hội đồng thẩm định, NXB nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và đang chỉnh sửa cho phù hợp với ngữ điệu và tâm lý lứa tuổi lớp 1. Còn các bộ sách khác vẫn đang được triển khai và cho đến nay các nhà trường đang thực hiện. Tuy nhiên chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản, các bộ sách đều phải rà soát", Bộ trưởng Nhạ nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nhạ cũng tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và nhân dân, tiếp tục cùng với đội ngũ giáo viên trực tiếp thực hiện công tác giảng dạy để rà soát, tiến tới SGK hoàn thiện hơn. Đổi mới SGK có lộ trình, theo Nghị quyết 51 thì thực hiện đổi mới SGK theo lộ trình 5 năm. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện với quy mô 46 cuốn thì Bộ rất cố gắng nhưng khó có thể tránh khỏi thiếu sót, Bộ tiếp tục lắng nghe để hoàn thiện ngày càng tốt hơn.

Giải trình trước ý kiến ép học sinh mua sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình, trong thực tế SGK là tài liệu được sử dụng chính thức và bắt buộc, còn tài liệu tham khảo hay sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Sách tham khảo là do NXB xuất bản theo đợt và giám đốc NXB chịu trách nhiệm quản lý ấn phẩm này.

"Chúng tôi đã ban hành thông tư 21, trong đó nêu rất rõ là không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào. Rất tiếc trong thời gian vừa qua cá biệt có một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm điều này, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương và trực tiếp đi thanh tra để chấn chỉnh. Tới đây, Bộ tiếp tục chỉnh sửa thông tư 21 theo hướng tăng chế tài để quản lý thật chặt sách tham khảo. Để SGK thực sự là SGK trong nhà trường, đảm bảo ổn định", Bộ trưởng Nhạ nói.

Về giá của SGK lớp 1 mới cao hơn, Bộ tính toán cao hơn khoảng 2 lần, lý do là SGK lớp 1 mới là biên soạn theo chương trình phổ thông mới theo cách tiếp cận phẩm chất và năng lực. Ở đây số trang dài hơn, chất lượng tốt hơn, màu tốt hơn, vì thế giá thành cao hơn.

Thứ hai, SGK thực hiện theo chủ trương xã hội hoá khác với sách cũ, nên không được trợ cấp biên soạn như sách cũ, do vậy chi phí này cũng được tính trong chi phí của SGK. Bộ cũng đã đề nghị giảm chi phí giá thành, NXB cũng đã giảm 2-3 lần, trình bày phương án giá Bộ Tài chính cũng đã xem xét và chấp thuận. Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưa cho Chính phủ, trình uỷ ban thường vụ Quốc hội, đưa SGK là mặt hàng nhà nước định giá, bình ổn giá.

Lê Bảo
Theo Gia Đình & Xã Hội