Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:36
RSS

Bộ GTVT và lãnh đạo Hà Nội đối thoại với các nhà xe bỏ bến, chặn cao tốc

Thứ năm, 02/03/2017, 06:48 (GMT+7)

Chiều ngày 1/3, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cùng Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện cuộc đối thoại với các doanh nghiệp về việc điều chuyển tuyến vận tải liên tỉnh.

Đại diện các nhà xe bị điều chuyển than lỗ nặng

Liên quan đến sự việc gần 100 xe khách của các doanh nghiệp vận tải và nhà xe “kéo lên” Hà Nội phản đối điều chuyển tuyến bị các lực lượng chức năng ngăn lại tại trạm thu phí Km188 + 300 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 28/2, chiều 1/3, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Sở GTVT Hà Nội đã diễn ra cuộc thoại với các doanh nghiệp, nhà xe.

Buổi đối thoại có mặt Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, đại  diện UBND TP Hà Nội, đại diện Sở GTVT Hà Nội cùng nhiều DN đến từ Thanh Hóa Thái Bình, Nam Định,…

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đồng chủ trì cuộc họp.

Phản đối điều chuyển bến bãi 1

Toàn cảnh buổi đối thoại giữa lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải.

Tại cuộc đối thoại Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường, đại diện UBND TP Hà Nội, cùng đại diện Sở GTVT Hà Nội và các ban, ngành thành phố đã cùng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp, nhà xe chạy tuyến liên tỉnh trên tinh thần cởi mở, tiếp thu, xây dựng.

Đa số đại diện xe khách đều cho biết, sau khi thực hiện điều chuyển phân luồng tuyến vận tải của Hà Nội từ bến Mỹ Đình về bến Giáp Bát, Nước Ngầm hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp vận tải, nhà xe đều lâm vào tình trạng khủng hoảng, thua lỗ nặng nề và đang đứng trước nguy cơ phá sản trong thời gian tới.

Đại diện một số nhà xe cho rằng, việc điều chuyển tuyến như vậy là không hợp lý, không quan tâm đến lợi ích và sự sống còn của các doanh nghiệp vận tải.

“Hà Nội chỉ ra văn bản một ngày rồi thực hiện luôn việc điều chuyển tuyến. Trong một thời gian ngắn như vậy, doanh nghiệp vận tải, nhà xe chúng tôi không kịp xoay sở dẫn đến hoạt động kinh doanh vận tải bị đình trệ, thua lỗ nặng nề”, một đại diện doanh nghiệp vận tải tỉnh Thái Bình cho hay.

Phản đối điều chuyển bến bãi 2

Bà Hồ Thị Hoàng - Giám đốc công ty Hoàng Phương (Thanh Hóa) phát biểu tại buổi đối thoại.

Vị này cũng cho biết: “Trước khi điều chuyển chúng tôi đều nhận được văn bản. Thế nhưng, việc điều chuyển bến bãi khiến chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn.

Mỗi chuyến chỉ có “lèo tèo” vài khách thậm chí không có khách, ngày lễ khách vắng tanh.

Đúng ra, Hà Nội muốn điều chuyển thì phải có kế hoạch sau đó thông báo với các doanh nghiệp để chuẩn bị nhưng Hà Nội lại thực hiện quá gấp gáp.

Thế nên kể từ khi có quyết định điều chuyển, doanh nghiệp vận tải chúng tôi đều rơi vào tình trạng thu lỗ. Nợ 70 triệu trong 2 tháng, rồi còn phí cầu đường, nguyên liệu, trả lương lái xe thì làm sao chúng tôi ngóc đầu lên được".

Đồng quan điểm, Chủ tịch liên hiệp hội vận tải Nam Định cho biết: “Doanh nghiệp nhất trí với chủ trương điều chuyển phân luồng tuyến giao thông vận tải ở Hà Nội nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Thực hiện việc điều chuyển các doanh nghiệp đã đưa xe khách về bến xe Nước Ngầm để hoạt động. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau khi có quyết định điều chuyển, kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Phản đối điều chuyển bến bãi 3

Ông Trần Hữu Quảng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Thanh Hóa phát biểu tại buổi đối thoại.

10 doanh nghiệp, tháng một thua lỗ 325 triệu đồng, sang đến tháng thứ hai tiếp tục thua lỗ 200 triệu đồng, thiệt hại quá nặng nề.

Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội lại cấp phép cho một số xe nhỏ chạy tuyến Nam Định lại hoạt động theo kiểu trá hình, gây bức xúc.

Nếu vẫn bảo lưu quyết định điều chuyển bến bãi, Hà Nội nên xem xét và có biện pháp cân bằng giữa các phương tiện đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát với các phương tiện cùng tuyến tại bến xe Nước Ngầm vì khoảng cách giữa hai bến xe không xa lắm...”.

Ông Trần Quang Công (đại diện xe khách Thanh Hóa) nhấn mạnh: “Sở GTVT chỉ ra văn bản mà không xem xét thực tế như thế nào?

Tôi xin mời các vị lãnh đạo Hà Nội, Sở GTVT lên bến xe Mỹ Đình xem các xe dù, xe cóc lộng hành sau gần 2 tháng chúng tôi thực hiện việc điều chuyển thì sẽ rõ. Thử hỏi, xe dù, xe cóc cứ hoạt động như vậy thì ai đi xe khách đúng tuyến nữa.

Bà Hồ Thị Hoàng – GĐ Công ty Hoàng Phương (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: “Hà Nội nói điều chuyển tuyến để giảm thiểu tình trạng tắc đường, vậy chúng tôi cũng xin nói luôn.

Chúng tôi đi đường mòn Hồ Chí Minh đi Láng - Hòa Lạc, vào bến xe Mỹ Đình hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến tắc đường, vậy vì sao lại chuyển tuyến chúng tôi sang bến xe Yên Nghĩa?

Khi vận động chúng tôi chuyển từ đường QL1A lên đường mòn Hồ Chí Minh, bây giờ mới thích nghi được đường mòn thì lại điều chuyển chúng tôi đi. Tại sao chúng tôi không ảnh hưởng đến việc tắc đường mà lại điều chuyển tuyến của chúng tôi?”

“Đưa các doanh nghiệp vận tải về lại bến Mỹ Đình là rất khó”

Sau khi nghe các ý kiến bày tỏ của đại diện nhà xe, doanh nghiệp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Vũ Văn Viện, cho biết: "Để thực hiện giảm thiểu ùn tắc, Hà Nội đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc phân lại luồng tuyến các xe khách.

Chủ trương giải quyết ùn tắc giao thông cho TP Hà Nội là chủ trương rất lớn, là một trong những trọng tâm công việc của thành phố. Đây không chỉ phục vụ riêng nhân dân Hà Nội. Như Thủ tướng nói giải quyết ùn tắc cho Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là tạo điều kiện cho phát triển các vùng lân cận.

Hơn nữa, do kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay không đáp ứng được nhu cầu phát triển của các phương tiện giao thông, nút giao thông vành đai 3 thì liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc.

Việc mâu thuẫn phương tiện tăng quá năng lực của hạ tầng thì phải tổ chức lại giao thông. Do vậy phải hạn chế phương tiện giao thông trên một số tuyến đường và một số giờ để giảm ùn tắc giao thông".

Phản đối điều chuyển bến bãi 4

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Vũ Văn Viện trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp vận tải.

Theo ông Viện, việc điều chuyển tuyến là “có căn cứ”, được chuẩn bị từ rất lâu. Nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt, nhịp nhàng theo đúng quy hoạch đạt tỷ lệ 99%. Sau khi thực hiện nút giao thông vành đai 3 đã giảm thiểu ùn tắc rõ ràng.

Việc điều chuyển về bến Nước Ngầm vắng khách có nhiều nguyên nhân, ngoài ra cũng có nguyên nhân do bà con có xe cá nhân, tàu hỏa cũng phát triển… người dân được lựa chọn phương thức.

Nếu vận tải hành khách không nâng cao được năng lực chất lượng thì không cạnh tranh nổi. Mới 2 tháng ở Nước Ngầm thì làm sao khách quen được. Trong khi trước đây các bác hoạt động ở Mỹ Đình phải 3 năm mới có khách.

Về trùng tuyến ở Giáp Bát và Nước Ngầm, trong đề xuất chúng tôi đề nghị với Thứ trưởng cùng một tuyến Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có trùng tuyến. Chúng tôi đang lên phương án sắp xếp.

Trường hợp xe dù, bến cóc không phải là chúng tôi không kiểm tra, xử lý, chúng tôi không bao che…”, ông Viện nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng chia sẻ: "Xét về mặt hoạt động vận tải các doanh nghiệp, Bộ GTVT hết sức cảm thông khi một số doanh nghiệp bị hụt giảm doanh thu và nợ nần, thua lỗ sau việc điều chuyển tuyến.

Phản đối điều chuyển bến bãi 5

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (ở giữa) lắng nghe doanh nghiệp chất vấn.

Việc quyết định điều chuyển bến bãi phía cơ quan quản lý nhà nước rất đau đầu. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ có 1 bến xe Mỹ Đình. Đây lại là nơi hội tụ cả 2 phía Bắc - Nam, điều này dẫn đến tình trạng quá tải so với nhu cầu thực tế.

Về tình trạng xe dù, bến cóc, phải công nhận thời gian qua HN xử lý quá kém. Tình trạng này tới đây lãnh đạo Hà Nội cũng như Bộ GTVT sẽ kiên quyết xử lý.

Ngoài ra, việc điều chuyển nhưng kết nối giữa các bến xe chưa có, điều này cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp nên khách không về bến gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Về đề xuất của các doanh nghiệp và nhà xe quay trở lại bến Mỹ Đình ông Viện cũng cho biết là điều rất khó.

“Đưa xe về bến Mỹ Đình sẽ rất khó vì nếu đưa về 1 bộ phận nào đó thì không công bằng, còn đưa cả thì quay lại ùn tắc như thời gian đầu.

Trước mắt sẽ tạm dừng cấp phép cho xe hợp đồng với các tỉnh liên quan, giao cho thanh tra phối hợp với công an xử lý xe dù bến cóc. Ngoài ra Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bố trí để làm sao, xe một tỉnh chỉ về một bến xe để các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh lành mạnh.

Trước đó, như Đời sống Plus đã thông tin, sáng 28/2, gần 100 xe khách của các nhà xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình đã đồng loạt không chở khách, lên Hà Nội phản ánh việc điều chuyển tuyến giao thông vận tải của Hà Nội.

Tuy nhiên, khi đoàn xe di chuyển đến trạm thu phí Km188 + 300 trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã bị các lực lượng chức năng ngăn lại, đồng thời giải thích cho các lái xe hiểu, tránh gây náo loạn giao thông cả trong và ngoài trung tâm TP Hà Nội.

Nguyễn Dương
Theo Đời sống Plus