Thứ sáu, 11/10/2024 | 12:17
RSS

Bộ Công Thương khẳng định không có việc 'xăng tăng lên 100.000 đồng/lít'

Thứ năm, 10/11/2022, 12:48 (GMT+7)

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc giá xăng có thể tăng đến 100.000 đồng/lít đang lan truyền trên mạng xã hội chỉ là những thông tin đồn đoán, không có căn cứ.

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội đang lan truyền thông tin Giá xăng dầu có thể tăng lên đến 100.000 đồng/lít. Có nhiều người bày tỏ sự lo ngại nếu việc tăng giá này là thật.

Chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam đại diện Bộ Công Thương khẳng định, những thông tin này chỉ là đồn đoán, không có căn cứ. Theo vị đại diện này, trong trách nhiệm của mình, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang có sự phối hợp rà soát, tính toán để điều chỉnh mức chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, từ đó đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng liên quan.

Bộ Công Thương khẳng định không có việc xăng tăng lên 100.000 đồng/lít

Ảnh minh họa

Trước đó, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu, có thể là các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân phân phối bán cho các đối tượng khác.

Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu.

Theo ông Hải, với Quỹ bình ổn, đây là quỹ tài chính bộ trích lập nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng. Với quỹ này, giá xăng dầu sẽ được điều tiết để bình ổn giá, kiểm soát CPI, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở việc giữ quỹ này vẫn phát huy nhiều tác dụng.

Trước tình trạng giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu giảm biên độ biến động của giá; nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trong những tình huống biến động khó dự báo.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "than" khó khi mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn, và những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở trong nước. Ngoài ra, các chi phí kinh doanh xăng như vận tải, vận chuyển,… tăng cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp khó.

Trước đó, vào ngày 1/11,  Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu.Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng thêm 410 đồng, lên mức giá 22.750 đồng/lít; xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 380 đồng, lên 21.870 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng, dầu diesel là tăng 290 đồng, lên 25.070 đồng/lít; dầu hoả tăng 120 đồng, lên 23.780 đồng/lít và dầu mazut 190 đồng, lên 14.080 đồng/kg.

Cùng với điều chỉnh giá, liên bộ Công Thương - Tài chính không chi sử dụng với xăng, dầu; giảm mức trích lập với RON 95 và dầu mazut trong khi giữ nguyên mức trích với dầu diesel và dầu hoả. Cụ thể, mức trích với xăng RON 95-III giảm từ 400 đồng về còn 300 đồng; dầu mazut giảm 208 đồng, về 500 đồng.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại