Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:38
RSS

Hà Nội được cung ứng thêm hơn 1.000m3 xăng dầu, giảm bớt khó khăn về nguồn cung

Thứ ba, 08/11/2022, 17:32 (GMT+7)

Hà Nội đã được cung ứng thêm hơn 1.000 m3 xăng và dầu cho 5 thương nhân phân phối trên địa bàn, do vậy đã giảm bớt được khó khăn về nguồn cung.

Sự kiện:
Hà Nội

Trao đổi với Báo giao thông sáng 8/11, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, TP đã được cung ứng thêm hơn 1.000m3 xăng, dầu cho 5 thương nhân phân phối trên địa bàn. Việc này làm giảm bớt căng thẳng nguồn cung xăng, dầu.

Theo bà Lan, UBND TP cũng tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp vận chuyển xăng dầu vào thành phố. Tính đến hết ngày 7/11, 100% hồ sơ của các doanh nghiệp nộp Sở Giao thông Vận tải đã được cấp phép đầy đủ.

Sở Công Thương Hà Nội cho hay, hiện nay trên toàn TP chỉ còn 3/493 cửa hàng đang hết xăng dầu cục bộ và dự kiến trong ngày 8/11 có hàng bán trở lại.

Để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trên địa bàn TP, Sở Công Thương TP Hà Nội đã chỉ đạo 26 doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu của thành phố đăng ký nguồn cung còn thiếu, 5 ngày một lần để bổ sung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, qua đó bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Hà Nội được cung ứng thêm hơn 1.000m3 xăng dầu, giảm bớt khó khăn về nguồn cung

Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại cây xăng Nam Đồng. Ảnh: Báo Kinh tế đô thị

Trước đó, Bộ Công Thương có công văn gửi tới các bộ và UBND các tỉnh, TP đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu.

Tại văn bản này, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương xem xét, có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, yêu cầu 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước;

Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ.

Ngoài ra, 2 đơn vị này cũng phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại