Thứ tư, 24/04/2024 | 22:28
RSS

Hà Nội yêu cầu giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường

Thứ bảy, 05/11/2022, 17:25 (GMT+7)

TP Hà Nội yêu cầu các địa phương giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép để trục lợi, gây mất trật tự an ninh.

Sự kiện:
Hà Nội

Thông tin trên Báo Dân trí ngày 5/11 cho biết, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3694/UBND-KTN nhằm thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép để trục lợi, gây mất trật tự an ninh, không bảo đảm chất lượng, an toàn phòng cháy, chữa cháy.

UBND các địa phương phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, đóng mở của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận, huyện, thị xã; chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường hỗ trợ việc phân luồng, giảm ùn tắc giao thông tại khu vực có cửa hàng xăng dầu tập trung đông người.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cam kết bảo đảm đủ nguồn cung cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp; hỗ trợ, chia sẻ nguồn hàng với các thương nhân khác trong những thời điểm khó khăn về nguồn nhằm bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, ổn định thị trường xăng dầu phục vụ nhân dân.

Hà Nội yêu cầu giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường

Xăng được bày bán ngay tại vỉa hè. Ảnh: Báo Dân trí

UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn; có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh về nguồn cung xăng dầu, báo cáo đề xuất UBND TP để có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời; phối hợp Cục Quản lý thị trường rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, báo cáo UBND TP trước 17h hằng ngày.

Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Công an thành phố hướng dẫn, thực hiện thủ tục cấp phép cho phương tiện chở xăng dầu theo quy định, bảo đảm kịp thời phục vụ nhu cầu người dân.

Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo đúng quy định hiện hành.

Đối với Cục Quản lý thị trường, TP giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP; kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu.

Trong trường hợp phát hiện có sai phạm, yêu cầu Cục Quản lý thị trường xử lý nghiêm theo quy định; rà soát, tổng hợp tình hình đóng mở, kinh doanh xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thành phố gửi Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND TP trước 17h hằng ngày.

Hà Nội yêu cầu giải quyết triệt để hoạt động bán xăng dầu bằng chai, lọ trên các tuyến đường

Người dân mua xăng vào can lớn rồi sang chiết sang các chai nhỏ để bán lại với giá cao. Ảnh: Tạp chí Tri thức trực tuyến

Liên quan đến tình trạng cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội, Báo VTC News cho biết, hững ngày qua, nhiều cây xăng ở Hà Nội treo biển hết hàng trong một số thời điểm. Những cây đang mở thì khách xếp hàng dài, đông nghẹt hoặc chỉ bán nhỏ giọt. Theo khảo sát, tình trạng người dân Hà Nội khó mua xăng xuất hiện khoảng hơn 1 tuần nay. Những cây xăng vẫn mở cửa ngoài việc giới hạn lượng bán cho khách thì còn nghỉ bán sớm hơn hẳn bình thường, chỉ tới 22h - 23h.

Trước tình trạng này, sáng 5/11, trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên, Nguyễn Khuyến... xuất hiện các "trạm xăng tự phát" do người dân trong khu vực mở ra ngay trên vỉa hè. Xăng được người dân đựng trong các loại chai, can nhựa thể tích 1-2 lít hoặc nhiều hơn, bày bán sát mép vỉa hè để người qua đường dễ dàng trông thấy.

Những "trạm xăng di động" này khá đắt hàng do người dân rất khó mua ở các điểm bán chính thức. Họ phải xếp hàng tới 15-20 phút, thậm chí lâu hơn mới đến lượt. Thế nhưng, mỗi xe máy cũng chỉ được mua tối đa 50.000 đồng/lượt, ô tô khoảng 200.000-300.000 đồng/lượt. Không tìm được cây xăng mở cửa, nhiều người còn phải dắt xe đi bộ tìm xăng.

Việc bày bán xăng tại vỉa hè, xăng được đựng trong chai lọ như trên khiến nhiều người cảm thấy lo lắng vì không chỉ gây mất trật tự an ninh, mà còn không chắc chắn về chất lượng xăng cũng như không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Trao đổi về vấn đề thiếu xăng dầu cục bộ tại TP Hà Nội với Tạp chí Gia đình Việt Nam Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, hiện Hà Nội vẫn đang bảo đảm cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu

Theo bà Lan, tính đến ngày 4/11, chỉ có 8 cửa hàng hết xăng cục bộ. Báo cáo của các cửa hàng xăng dầu cho thấy, ngày hôm nay (5/11) lượng xăng về bán bình thường. Sở Công Thương cũng đã gửi Sở Giao thông vận tải cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng.

Về nguyên nhân dẫn đến nhu cầu xăng dầu của người dân tăng đột biến như trên, bà Lan cho hay, do các tỉnh, thành lân cận thiếu nguồn cung nên người dân ở một số địa phương khác đổ dồn về mua xăng, tạo ra sức ép lớn cho nhiều cửa hàng ở nội đô.

Do đó, ngoài việc phục vụ hơn 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Hà Nội tiếp tục phục vụ thêm một số khách hàng ở các tỉnh, thành lân cận do các đơn vị này cũng thiếu nguồn cung. Điều này gây áp lực rất lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các doanh nghiệp kinh doanh xǎng dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023.

Ngoài ra, với một số cửa hàng nhỏ, dung tích bể chứa có hạn trong khi nhu cầu tăng đột biến vào một số thời điểm nhất định; một số cửa hàng khống chế số lượng bán ra cho khách để hạn chế tình trạng thiếu hàng…Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hàng cục bộ và phải chờ nhập hàng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại