ThS.BS Huỳnh Thị Kim Nga, một trong những người trực tiếp chăm sóc BN1536 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng thông tin, bệnh nhân đã dừng ECMO 11 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở.
Theo bác sĩ Nga, bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.
Ảnh minh hoạ
Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, oxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.
Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe doạ tính mạng...
Dù vậy bệnh nhân đã tự ăn gần như hoàn toàn qua đường tiêu hóa (qua ống thông), có hỗ trợ truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch 20%.
Người bệnh đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.
Bác sĩ Nga cho biết, BN1536 có sức đề kháng quá yếu trên cơ địa đái tháo đường, tăng huyết áp nên rất dễ nhiễm nấm, vi trùng từ bên ngoài.
Vì vậy, thời gian hồi phục của bệnh nhân sẽ rất chậm, cần kiên trì. Với những bệnh nhân lớn tuổi lão suy như vậy khi nằm hồi sức khó nói trước, diễn tiến trong ngày có thể biến đổi không ngừng, nhận định bệnh nhân vẫn còn rất nặng, có nguy cơ đột tử do tim…
BN1536 là ca bệnh nhập cảnh từ Mỹ về Việt Nam ngày 13/1. Ngày 14/1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được chuyển đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng điều trị.
Bệnh nhân tiền sử mắc đái tháo đường, tăng huyết áp đã 10 năm, tình trạng diễn biến xấu rất nhanh, nhiều thời điểm suy kiệt, phù toàn thân, phổi hai bên đông đặc, phải chạy ECMO, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân đã được hội chẩn quốc gia 7 lần, kể cả trong những ngày Tết, theo dõi và có chỉ định hỗ trợ từng tình huống sức khỏe Ngày 28/2, bệnh nhân bắt đầu ngừng ECMO.