Hãy cùng điểm lại 5 cuộc đại tuyệt chủng khủng khiếp trong lịch sử của Trái Đất.
1. Đại tuyệt chủng kỷ Ordovic
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên, xảy ra cách đây 440 - 450 triệu năm. Thời kỳ này có nhiều cuộc tuyệt chủng liên tiếp xảy ra tiêu diệt 17% số họ, 50% số chi và được coi là cuộc tuyệt chủng lớn thứ hai trong lịch sử nếu tính theo số loài bị tiêu diệt. Khoảng 50% số động thực vật ở thời đại kỷ Ordovic đã không còn tồn tại, và chỉ có rất ít trong số đó còn mẫu vật hóa thạch.
Về nguyên nhân của cuộc đại tuyệt chủng này, các nhà khoa học cho rằng có một vụ nổ tia gamma của một ngôi sao gần Trái đất làm cho CO2 trong khí quyển sụt giảm mạnh. Điều này đã ảnh hưởng tới Trái đất, tạo ra một thời kỳ băng hà kéo dài 0,5 - 1,5 triệu năm.
Sau thời đại này, các sông băng bắt đầu tan chảy, làm cho mực nước biển dâng lên. Từ đây, các loài động thực vật còn sót lại bắt đầu sinh sôi và tiến hóa thành nhiều chi, loài mới.
2. Đại tuyệt chủng kỷ Devon
Đại tuyệt chủng kỷ Devon xảy ra cách đây khoảng 360 triệu năm và nó kéo dài đến tận 20 triệu năm, nghĩa là trải qua một chu kỳ biến đổi rất dài, các loài động thực vật dần chết đi và biến mất khỏi lịch sử Trái Đất mà không ai biết đến.
Đại tuyệt chủng này chủ yếu xảy ra ở khu vực bờ biển, làm cho những rạn san hô, vốn là ngôi nhà của các sinh vật biển đã chết hàng loạt, điều này kéo theo cái chết không thể tránh khỏi của hàng triệu loài. Ước tính có khoảng 19% số họ, 50% số chi và 70% số loài đã bị tuyệt diệt trong cuộc tuyệt chủng này.
Người ta dự đoán rằng có thể một thiên thạch lớn đã lao vào vùng biển của Trái Đất, tạo nên những biến động vô cùng khủng khiếp, xáo trộn hệ sinh thái của tất cả các biển và đại dương. Một nguyên nhân khác cũng được đưa ra là sự phát triển mạnh mẽ của thực vật đã làm giảm CO2, khiến khí hậu trở nên lạnh hơn, nhiều sinh vật không thích nghi được đã bị tiêu diệt.
3. Đại tuyệt chủng kỷ Permi - Trias
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi - Trias là một sự kiện tuyệt chủng xảy ra cách đây 250 triệu năm), tạo thành ranh giới giữa kỷ Permi và kỷ Trias. Đây là sự kiện tuyệt chủng nghiêm trọng nhất trên Trái Đất, làm cho 96% trong tất cả các loài sinh vật biển và 70% các loài động vật có xương sống trên đất liền tuyệt chủng. Đây là sự kiện duy nhất làm tuyệt chủng phần lớn các loài côn trùng, làm mất đi khoảng 57% các họ và 83% các chi.
Về nguyên nhân, nó có thể bắt nguồn từ sự phun trào ở khu vực Siberi với diện tích lớn. Các vật chất từ trong nhân Trái Đất đã phun trào mạnh mẽ, tạo ra một lượng lớn bụi khí làm tăng nhiệt độ, cộng thêm sự phun trào axít sunfuric hủy hoại cây cỏ ở khắp nơi. Khí CO2 tràn ngập không khí đã gây nên hiệu ứng nhà kính, làm Trái Đất nóng lên cực đại.
Phải mất một thời gian rất lâu sau đó, sự sống mới được khôi phục lại dần dần từ những kẻ sinh vật nhỏ may mắn sống sót trong đó có một số nhóm bò sát.
4. Đại tuyệt chủng kỷ Trias – Jura
Cuộc đại tuyệt chủng này xảy ra cách đây 200 triệu năm, kết thúc kỷ Trias và mở đầu cho kỷ Jura. Nó được cho là bắt đầu từ vụ nổ sao băng đã tạo nên hồ Manicouagan (Canada). Vụ chấn động này đã khởi đầu cho hàng loạt vụ phun trào núi lửa.
Nhiều loài động vật có xương sống trong đại dương và bò sát biển đã biến mất, ngoại trừ thằn lằn cá, thằn lằn chân chèo. Các động vật không xương như ngành tay cuốn, ngành thân mềm, lớp lưỡng cư và đặc biệt là bò sát phụ lớp thằn lằn cổ (trừ khủng long) ở đất liền cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng 23% số họ, 48% số chi đã bị tuyệt chủng.
Cuộc tuyệt chủng này đồng thời đã mở ra thời đại huy hoàng của loài bò sát, cụ thể hơn là các loài khủng long xuyên suốt kỷ Jura.
5. Đại tuyệt chủng kỷ Creta
Loài khủng long thống trị Trái Đất trong thời gian khoảng 150 triệu năm, kéo dài từ kỷ Jura đến kỷ Creta. Khoảng 65 triệu năm trước, các nhà khoa học ước tính có một loạt thảm họa xảy ra liên tiếp, bắt đầu bằng một thiên thạch rơi xuống Trái Đất. Nó kích hoạt những vụ phun trào núi lửa khắp nơi trên thế giới tạo nên những đám mây khói bụi dày đặc bao phủ khí quyển.
Các sự kiện địa chất đó đã làm giảm lượng ánh sáng và mức độ quang hợp, dẫn đến sự phá hủy hệ sinh thái Trái đất trên quy mô lớn. Khí hậu khô hơn, chuỗi thức ăn cũng bị phá vỡ. Khoảng 17% số họ, 50% số chi và 75% số loài đã bị tuyệt chủng sau biến cố này.
Những loài khủng long ăn cỏ lớn không còn cây cỏ để ăn và chết. Vì thế, khủng long ăn thịt cũng chết theo. Loài khủng long tuyệt chủng gần hết, chỉ còn một số loại nhỏ không bị ảnh hưởng và sau đó đã tiến hóa thành các loài chim. Cuộc tuyệt chủng kỷ Creta cũng đồng thời giúp cho lớp thú phát triển mà hậu duệ sau cùng chính là con người.