Thông tin trên Báo Người lao động cho biết, sáng nay (18/8), Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tại buổi làm việc, ông Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đề cập đến một số vấn đề khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải như nhiều nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu một số thuốc chuyên khoa và thiết bị y tế cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ.
Theo ông Hùng, từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ - làm mô hình mới, sau đó phải có báo cáo tổng kết, tốt sẽ nhân rộng, không tốt sẽ bỏ đi. Các điều kiện cơ bản là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh viện mới được tự chủ về tổ chức bộ máy, do đó chưa đủ điều kiện và chưa làm đúng nghĩa tự chủ nên cần thay đổi.
“Chúng tôi chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ. Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. 3 điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ, bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”, ông Hùng đánh giá.
Trên thực tế, ông cho rằng khó khăn mà Bạch Mai gặp phải khi thực hiện tự chủ là bài toán chung của ngành y tế. "Giải được bài toán tự chủ của Bạch Mai là giải được bài toán của ngành y tế", ông Hùng nói.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Điều này phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh viện Bạch Mai
Trong khi đó, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết bệnh viện đã hoàn thành đề án tự chủ vào tháng 3/2022, gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện. Bệnh viện bắt đầu thí điểm tự chủ toàn diện từ đầu năm 2020, song dịch covid-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa từ cuối tháng 3 cùng năm.
Theo PGS Cơ, trong suốt hai năm đại dịch vừa qua, bệnh viện hỗ trợ toàn bộ sức người sức của chống dịch trên khắp cả nước. Số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 50%.
Bên cạnh đó, bệnh viện thu giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế, nhưng đa số giá này đã lạc hậu, lỗi thời, thu không đủ bù chi. Còn giá khám chữa bệnh theo yêu cầu chưa có khung giá trần từ Bộ Y tế, do đó bệnh viện rất khó quyết định giá hợp lý.
Hơn 90% người khám chữa bệnh tại bệnh viện thuộc nhóm sử dụng bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách... Trong khi đó, tự chủ tài chính, bệnh viện sẽ phát triển nhiều lĩnh vực có lợi nhuận, giá khám chữa bệnh cao để có kinh phí hoạt động. Các thiết bị y tế đắt tiền khiến bệnh viện phải đi vay hoặc xã hội hóa nhiều. Như vậy, chi phí điều trị của người bệnh tăng lên do phải tính lãi vay vào cơ cấu giá, người bệnh nghèo sẽ thiệt thòi.
Không những thế, khi thực hiện tự chủ, bệnh viện vẫn không giảm được tình trạng quá tải do số lượng người vượt tuyến điều trị lớn, còn nhiều bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân.
Về mặt tổ chức, mô hình bệnh viện tự chủ còn nhiều bất cập. Cụ thể, hoạt động của Đảng ủy và hội đồng quản lý chồng chéo; vai trò của hai đơn vị này và ban giám đốc bệnh viện chưa được phân định rõ ràng. Bệnh viện thành lập ban kiểm soát, thanh tra nhưng đều là nhân sự làm việc tại viện, do đó quản lý, đánh giá và đưa ra quyết định sẽ thiếu khách quan, không kiểm soát được hoạt động của bệnh viện. Tổ chức nhân sự nói trên cũng thiếu thống nhất do không xác định rõ ai là người đứng đầu bệnh viện.
Ngoài ra, các quyết định pháp lý ban hành rất chậm khiến bệnh viện lúng túng khi thực hiện, đặc biệt về quy trình đầu tư, mua sắm. Bệnh viện Bạch Mai và tất cả bệnh viện công lập tự chủ phải trả thêm thuế đất, gây khó khăn hơn cho hoạt động, do tiền thuế đất chưa được kết cấu vào giá dịch vụ y tế.
Về vấn đề tự chủ, theo Báo VietNamNet, Quyền Bộ Trưởng Y tế Đào Hồng Lan thông tin tại cuộc họp, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K Trung ương là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ được 2 năm.
“Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Chúng tôi cũng đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 bệnh viện đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính phủ”, Quyền Bộ Trưởng Y tế nói.
Bà Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy 2 bệnh viện cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị định 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết.
“Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này - cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn”, bà Đào Hồng Lan khẳng định.