Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu mở nắp sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng cho bệnh nhi. Ảnh: Dân trí
Mới đây, theo nguồn tin trên Dân trí, các bác sĩ khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết vừa vừa phẫu thuật cấp cứu mở nắp sọ lấy máu tụ ngoài màng cứng cho bé trai 4 tuổi.
Theo đó, ngày 20/7, bé L.M.T. (4 tuổi, ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não nặng. Theo gia đình bé T., trước đó bé bị ngã đập đầu xuống nền cứng, sau đó có biểu hiện hiện sưng và đau vùng đầu kèm theo nôn. Thấy vậy, gia đình vội đưa con vào bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được thăm khám lâm sàng và chụp CT-Scanner, kết quả cho thấy có hình ảnh xuất huyết não, tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương đỉnh trái dày 7mm, tụ máu ngoài màng cứng vùng chẩm trái dài 12mm, kèm theo hình ảnh gãy xương đỉnh trái… Qua hội chẩn chuyên khoa các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chấn thương sọ não, tụ máu ngoài màng cứng vùng đỉnh-chẩm trái và chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành mở sọ bằng khoan sọ 4 lỗ và dây cưa tay, bộc lộ ổ máu tụ ngoài màng cứng, lấy máu tụ ngoài màng cứng, khâu phục hồi màng cứng và đặt lại bản xương sọ cho bệnh nhân. Sau 2 giờ, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhi không còn hiện tượng chảy máu. Hiện tại, bệnh nhi đang thở máy, da môi hồng, các chỉ số sinh tồn tạm ổn định và được theo chăm sóc tại khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, máu tụ ngoài màng cứng có thể làm tăng áp lực sọ não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Đặc biệt, chấn thương sọ não ở trẻ em luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, bởi đây là lứa tuổi hiếu động, thích nô đùa chạy nhảy, dễ bị vấp ngã.
Trong một số trường hợp, tuy bị chấn thương sọ não nhưng bé chưa có biểu hiện gì khi thăm khám và sẽ được bác sĩ cho về nhà. Bé cần được theo dõi tiếp trong vài ngày sau đó. Đưa bé đi khám lại nếu có một trong các dấu hiệu: quấy khóc nhiều; đau đầu gia tăng; buồn nôn hay nôn nhiều; gặp khó khăn khi đi lại, nói năng hoặc nhìn; lơ mơ, khó đánh thức; cử động bất thường, co giật.
Nếu trong thời gian theo dõi không có biểu hiện gì bất thường thì về lâu dài cũng không có gì đáng lo ngại. Hãy nhớ rằng phần lớn các va đập khi ngã đều gây chấn thương nhẹ, nhưng hãy đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra những sự việc và hậu quả đáng tiếc. Tai nạn xảy ra cho con trẻ là điều không ai muốn. Chỉ cần thận trọng hơn, chúng ta hoàn toàn có thể giữ cho con một tuổi thơ vừa năng động, lại vừa an toàn.