Tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên đất liền tỉnh Gia Lai với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây với vận tốc 15 km/h, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Vị trí trung tâm vùng áp thấp sẽ nằm trên lãnh thổ Campuchia.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 5, khu vực An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Một số khu vực khác ở Quảng Ngãi, Gia Lai có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có mưa rất lớn với tổng lượng mưa đạt mức 150-300 mm/ngày. Mưa lớn và gió giật mạnh tại đây còn tiếp diễn đến hết hôm nay (31/10).
Do ảnh hưởng của bão số 5, ngày 31/10, khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to với tổng lượng mưa 50 - 100mm/đợt; khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 250mm.
Các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa 300 - 400mm/đợt, có nơi 400 - 600mm/đợt.
Từ ngày 31/10 - 2/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 -200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300 - 500mm/đợt.
Lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao có nguy cơ xảy ra, đặc biệt tại các huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát (Bình Định); Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An (Phú Yên).