Thứ sáu, 29/03/2024 | 11:44
RSS

Ăn cơm suất, thanh niên suýt mất mạng vì bị xương cá đâm thủng ruột

Thứ năm, 14/02/2019, 13:32 (GMT+7)

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị. Khai thác tiền sử, trước đó, bệnh nhân có ăn suất cơm gồm rau, cá.

Nam thanh niên suýt bị thủng ruột non vì nuốt nhầm xương cá
Nam thanh niên suýt bị thủng ruột non vì nuốt phải xương cá.

Các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E vừa phẫu thuật cấp cứu gắp mảnh xương cá dài 4 cm đâm thủng ruột non cho một bệnh nhân nam (22 tuổi, ở Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội).

Trước đó, ngày 11/2/2018, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị. Qua thăm khám của bác sĩ khi ấn vào vùng bụng bệnh nhân có hiện tượng đau quặn. Khai thác tiền sử, trước đó, bệnh nhân có ăn cơm suất (có cơm, rau, cá), sau ăn khoảng 3-4 giờ bệnh nhân đau bụng đột ngột vùng thượng vị, sau lan ra khắp bụng.

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện E và được các bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khí tự do trong ổ bụng kèm theo dị vật cản quang vùng tràng tiểu khung.

Bệnh nhân được BS Lương Đức Anh – Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E chỉ định phẫu thuật cấp cứu nội soi ổ bụng gắp dị vật là xương cá dài khoảng 4cm, kích thước khoảng 0.5mm, khâu lổ thủng ở vùng ruột non.

Tính ưu việt khi áp dụng mổ nội soi ổ bụng của các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp nên việc phẫu thuật thủng ruột và ổ bụng rất gọn sạch, ít gây đau và sẹo, hạn chế di chứng cho bệnh nhân.

Nam thanh niên suýt bị thủng ruột non vì nuốt nhầm xương cá 2
Chiếc xương cá được lấy khỏi ruột non của bệnh nhân.

Sau mổ bệnh nhân sức khỏe dần ổn định và đang được điều trị và chăm sóc tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện E và có thể xuất viện vào tuần tới.

Theo BS Đức Anh, dị vật xương cá là một trong những nguyên nhân đâm thủng đường tiêu hóa, nếu ăn uống không cẩn thận. Bởi xương cá là dị vật sắc, nhọn có thể di chuyển và gây thủng bất cứ vị trí nào trong hệ tiêu hóa, trong đó có phần ruột non.

Đối với ruột non mỏng, hẹp, nhu động nhiều hơn nên nguy cơ thủng cao gấp nhiều lần so với vị trí khác trong hệ tiêu hóa. Nếu không được phẫu thuật kịp thời ổ áp xe vỡ ra tràn vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc toàn thể dễ khiến bệnh nhân tử vong sau sốc nhiễm trùng.

Bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện bị hóc xương hay hóc dị vật khác, tốt nhất đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không nên cố nuốt thêm thức ăn, nước hoặc chữa bằng mẹo sẽ làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa khiến bệnh càng trầm trọng thêm. Đặc biệt, khi thấy đau khu trú, thường xuyên tại một vị trí cố định trong ổ bụng, bệnh nhân nên đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN