Vào một ngày đầu tháng 6, trong một dịp đi công tác về xã Việt Hùng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) tôi có được ông Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng kể cho nghe một câu chuyện rất ly kỳ về hành trình tìm lại người thân bị thất lạc trong chiến tranh của gia đình ông Nguyễn Quang Nhường ở thôn Lựa.
Khi câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, vị Phó Chủ tịch xã đưa ánh mắt quay sang nhìn tôi rồi cất lời: “Tôi cũng chỉ là người được nghe anh em kể lại thôi. Có lẽ cậu nên tìm đến tận nhà nghe chính ông ấy kể thì sẽ hấp dẫn hơn”.
Tính tò mò nổi lên, tôi xin phép rồi phóng ngay xe máy tìm đường đến nhà ông Nguyễn Quang Nhường (SN 1965, trú tại thôn Lựa, xã Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh) để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này.
Sau cơn mưa, con đường đất dẫn vào thôn Lựa ngập đầy những nước và sình lầy. Vì trong thôn có khá nhiều người dân mang tên Nhường nên tôi phải chật vật một hồi khá lâu mới tìm được nhà nhân vật chính của câu chuyện.
Khi tôi tìm đến nơi cũng là lúc cả gia đình ông Nhường đang ở ngoài trang trại để kiểm tra ao cá sau trận mưa lớn đêm qua. Ngồi chờ chừng 20 phút sau thì ông Nhường cùng vợ từ ngoài đồng về.
Biết tôi tìm đến để hỏi thăm về hành trình tìm kiếm 2 người cô của mình, ông Nhượng không giấu được sự ngạc nhiên. Ông bảo: “Chỉ là câu chuyện gia đình bình thường thôi mà cậu lại lặn lội xuống tận đây”.
Dẫn khách vào nhà, ông Nhường vừa pha nước vừa kể lại cuộc hành trình đầy ly kỳ hơn 70 năm tìm kiếm người thân bị lưu lạc trong chiến tranh của gia đình mình.
Theo như ông Nhượng kể lại, câu chuyện bắt đầu từ cách đây nhiều năm trở về trước. Năm nào thì không nhớ rõ những ông chỉ nhớ khi mình và các anh chị em còn nhỏ. Thỉnh thoảng ông lại thấy cụ ông thân sinh ra mình là cụ Nguyễn Quang Ban (trú tại huyên Gia Bình, Bắc Ninh) đứng lặng trước bàn thờ tổ tiên lầm rầm khấn bái gì đó, rồi có lúc lại nức nở khóc.
“Sau đó, ông cụ lại tay xách nách mang lấy đạp xe đi đâu đó cả mấy ngày liền. Có lần cụ vắng nhà đến cả tuần, rồi thì vài tuần. Tôi có gặng hỏi nhưng cụ chỉ lắc đầu buồn bã không nói gì”, ông Nhường nhớ lại.
Mãi đến năm ông Nhường được 17, 18 tuổi, ông mới được bố kể cho nghe câu chuyện về hai người cô của mình bị lưu lạc trong lúc chiến tranh. Theo đó, vào khoảng những năm 1944 – 1945, lúc đó cụ thân sinh ra ông Nhường còn chưa trong 10 tuổi.
Trong lúc đang chơi với hai người bà cô thì giặc Pháp tổ chức trận càn qua. Trong lúc nguy cấp, bố ông và hai bà cô chạy mỗi người một ngả và rồi thất lạc nhau. Sau trận càn ác liệt của giặc, cụ Ban lưu lạc mãi sang huyện Quế Võ, cách quê gốc hơn 15km.
Khi đã lả ở vệ đường vì đói và khát, cụ Ban may mắn được một gia đình sống gần đó chăm sóc, cứu chữa rồi nhận làm con nuôi. Cũng kể từ ngày đó, cụ Ban cũng không hề hay biết tung tích gì của hai người em gái.
Nhớ thương hai người em gái nên khi đã trưởng thành, thỉnh thoảng cụ Ban vẫn thường hay đạp xe sang những huyện bên để dò hỏi tung tích của hai người nhưng không có kết quả.
“Sau một lần đi cả 3 tuần liền qua khắp các tỉnh mà vẫn không thấy tung tích gì về hai bà cô nên bố tôi bắt đầu nản chí và quyết định sẽ không đi tìm nữa”, ông Nhường nhớ lại.
Nhiều năm sau đó, cụ Ban lớn lên rồi lập gia đình, cái ý nghĩ tìm lại 2 người em gái thất lạc trong chiến tranh, loạn lạc trong cụ dường như cũng đã nguội cho đến một ngày.
“Bố tôi kể lại, một thời gian sau đó, ông bà nội cùng các chú các bác ở quê cũ Gia Bình trong một lần tình cờ đã gặp lại được bố tôi. Ngày vui, ngày đoàn tụ sau bao năm trời xa cách cũng là lúc quyết tâm tìm lại hai người em gái bùng cháy trong người bố tôi. Cụ quyết tâm đi tìm dù biết rằng việc làm đó chỉ như mò kim đáy bể”, ông Nhường kể.
Cũng theo ông Nhường, cụ Ban đã từng đi cả chục tỉnh từ Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định hay Hải Phòng để tìm kiếm hai người em gái lưu lạc năm nao nhưng đều bặt vô âm tín.
Năm 2013, do tuổi cao, sức yếu, cụ Ban qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ gọi ông Nhường và các con đến bên giường chia sẻ tâm nguyện lúc cuối đời và mong các con tiếp tục cuộc tìm kiếm hai người cô của mình.
“Ông cụ gọi tôi đến và cho tôi biết một đặc điểm nhận dạng để thuận tiện trong quá trình tìm hai người cô đó là ngón chân thứ 2 quặp lên ngón chân cái. Sau này tôi mới biết họ của nhà mình có một số người có đặc điểm như vậy”, ông Nhường chia sẻ.
Mong muốn thực hiện di nguyện cuối cùng của cụ Ban trước khi mất, ông Nhường cùng các anh em, con cháu trong họ tỏa đi khắp nơi để tìm tung tích hai người cô thất lạc.
Đi đến đâu, gặp ai ông cũng đều chia sẻ hoàn cảnh của gia đình và tâm nguyện của người cha trước lúc mất để mong cầu sự giúp đỡ.
“Họ nghe xong đều tỏ ý thương cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình và rồi sau đó lắc đầu không giúp được”, ông Nhường nhớ lại.
Dành dụm được bao nhiều tiền bạc, ông Nhường lại rong ruổi xe máy qua hết các tỉnh để tìm kiếm. Căn nhà gia đình ông xây từ năm 2009 nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện do bao nhiêu của cải đều đổ hết vào những cuộc tìm kiếm xuyên ngày tháng.
Cụ Ban mất chưa được bao lâu, gia đình ông Nhường lại gặp phải biến cố lớn. Trong một lần đi xây, ông Nhường bất ngờ bị bức tường cạnh đó đổ ập vào người. Tai nạn kinh hoàng đó khiến ông nằm liệt giường hơn 2 tháng ròng rã và sức khỏe giảm đi một cách rõ rệt.
Đến năm 2014, sau những cuộc tìm kiếm, chữa bệnh, kinh tế gia đình ông Nhường thực sự khó khăn. Mặt khác, theo tính toán của ông, tính đến thời điểm hiện tại, hai người cô của mình cũng đã xấp xỉ 80 tuổi, không biết còn sống hay đã qua đời.
Nghĩ vậy nên ông quyết định tạm dừng cuộc tìm kiếm để tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Cũng chính từ đây, những manh mối về người cô thất lạc mấy chục năm trời lại được nhen nhóm.
Trong một buổi chiều mưa, rỗi việc, ông Nhường ngồi tỉ tê tâm sự về hoàn cảnh gia đình cũng như di nguyện cuối cùng của người cha quá cố cho đám bạn chung cảnh thợ hồ nghe.
Ông Nguyễn Quang Nhường kể lại hành trinh hơn 70 năm tìm người thân thất lạc. Ảnh: Duẩn.
Những tưởng câu chuyện chỉ như một lời tâm sự để ông khuây khỏa đi nổi dằn vặt trong lòng. Tuy nhiên, vừa nghe xong câu chuyện, một người trong đám thợ xây người Bắc Giang kể cho ông nghe câu chuyện những người sơ tán hồi chiến tranh sống rất nhiều dọc hai bên bờ sông Lục Nam và gợi ý ông nên đến đó tìm thử.
Hy vọng lại một lần nữa lóe lên trong đầu ông. Ngay ngày hôm sau, ông nghỉ làm, bắt chuyến xe về quê, chuẩn bị đồ đạc tiếp tục cuộc hành trình lên đường tìm lại người thân.
“Cả một tuần liền, nắng cũng như mưa, tôi đi dọc hai bên bờ sông để tìm kiếm. Gặp nhà nào tôi cũng kể, cũng hỏi nhưng cũng không mang lại kết quả gì khả quan”, ông Nhường nhớ lại.
Giữa lúc tuyệt vọng, ông Nhường được một bà lão bán hàng nước cạnh bờ Lục Nam thông tin về một lão bà chừng 80 tuổi, đang sống cùng chồng và có 4 người con cũng lưu lạc trong chiến tranh, lạc mất gia đình từ nhỏ và hiện giờ vẫn chưa có tung tích gì.
Mừng mừng, tủi tủi, ông Nhường nhờ bà lão bán nước dẫn đường đến gia đình của lão bà đó. “Khi tôi tìm đến nơi thì thấy cụ có dáng đi, cử chỉ điệu bộ giống bố tôi đến lạ lùng. Niềm tin càng tăng lên khi được nghe cụ kể về việc bị lạc mất người thân trong chiến tranh từ nhỏ”, ông Nhường hào hứng kể.
Khi câu chuyện đã thân quen, ông Nhường xin phép bà cụ cởi tất cho xem đôi bàn chân thì quả nhiên ở chân phải bà cụ có ngón thứ 2 quặp trùm gần hết ngón cái. “Lúc đó, bản thân tôi cũng không thể ngờ được có ngày hôm nay nên đã gợi ý xin thêm cụ một chút máu để đi xét nghiệm. Bản thân bà lão cũng muốn biết thực hư câu chuyện nên đã đồng ý cho tôi.
Kết quả thật bất ngờ khi mẫu xét nghiệm máu của bà lão trùng hợp với nhiều thành viên trong gia đình. Đến lúc đó, tôi mới tin đó thực sự là người cô thất lạc mà bố tôi bao năm nay vẫn tìm kiếm.
Tôi vẫn còn nhớ như in hôm đó là ngày 25/1/2014, khỏi phải nói cũng biết tôi và những người trong nhà mừng đến mức độ nào. Bao nhiêu năm ròng, cuối cùng tôi cũng đã giúp bố hoàn thành được di nguyện lúc cuối đời”, ông Nhường nhớ lại.
Mấy hôm sau, ông Nhường cùng một vài người thân trong họ trở lại ngôi làng nhỏ cạnh bở sông Lục Nam để đón người cô hơn 70 năm lưu lạc trở về nhà. “Mới đặt chân đến đầu làng thì cô tôi bỗng nhớ ra được nhiều điều.
Cô bảo đầu làng ngày cô đi có cây đa, rồi thì nhà bố mẹ cô nằm đối diện bên cạnh ngôi nhà của một thầy đồ. Những thông tin mà bà cô tôi nhớ về sau được các cụ cao niên trong làng kiểm chứng lại là hoàn toàn chính xác”, ông Nhường cho biết.
Trong lần hồi hương sau bao năm lưu lạc, bà được người thân đưa đi thăm họ hàng, thắp hương cho tổ tiên cùng người anh trai bao năm lặn lội kiếm tìm. “Cô tôi ở chơi nhà được hơn 1 tháng rồi trở về nhà cũ bên sông Lục Nam.
Đến cuối năm 2014 thì cô mất do tuổi cao, sức yếu. Người cô thứ 2 bị lưu lạc năm đó cũng được họ hàng tìm thấy nhưng không may mắn khi cô mất năm lên 9 tuổi do bệnh dịch”, ông Nhường bùi ngùi nhớ lại.
Câu chuyện vừa tàn, ông Nhường hướng mặt nhìn lên bức di ảnh trong bộ quân phục của cụ Ban. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, đến bây giờ, cụ thân sinh ra ông dưới suối vàng cũng đã mỉm cười.