Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:28
RSS

Giữa Hà Nội vẫn còn cảnh mẹ già góp nhặt từng hào lẻ nuôi hai con bị bệnh tâm thần, ngày hút 3 bao thuốc lá

Thứ năm, 15/06/2017, 07:00 (GMT+7)

Bữa cơm mỗi ngày chỉ toàn rau dưa nhưng người mẹ già bất hạnh ấy mỗi ngày phải bỏ ra 60.000 đồng để mua thuốc lá cho người con trai điên dại hút để con đỡ phá phách.

Bà mẹ và hai người con tâm thần

Tìm đến ngõ 135, phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) hỏi thăm về gia đình bà Đỗ Nguyệt Mai (SN 1933) có 2 người con bị mắc bệnh tâm thần thì không một ai là không biết.

Giữa cái khung cảnh phồn hoa, đô hội của Thủ đô, căn nhà số 11 rộng hơn 10m2 của gia đình bà Mai nằm nép mình bên khoảng sân trống thênh thang. Bên ngoài cánh cửa kéo khép hờ phơi la liệt nào những thứ quần áo, vải vóc cũ kĩ và hôi hám.

Chú Nguyễn Ngọc Tâm làm mọi sinh hoạt trong căn phòng chưa rộng chừng 3m2. Clip: Duẩn.

Nhắc đến hoàn cảnh của gia đình bà Mai, những người dân nơi đây không giấu nổi những xót xa. “Gia đình bà ấy khổ nhất cái khu này, cơm không đủ ăn, kinh tế bấp bênh, lại 3 đứa con bị mắc bệnh tâm thần”.

Hà Nội những ngày giữa hè nắng như đổ lửa, cái nóng hầm hập bốc lên từ mái tôn, nền nhà khiến không khi trong căn phòng chật hẹp của gia đình bà Mai càng trở nên ngột ngạt.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 1

Căn phòng chưa đến 10m2 của gia đình bà Mai. Ảnh: Duẩn.

Ở phía bên trong, bà Mai đang nheo đôi mắt đã nhòe của mình xem lại cuốn sổ bệnh án mà mấy ngày trước bà vừa đi khám về. Dáng vẻ bà tiều tụy, mệt mỏi. Thoáng một chốc những tiếng thở dài ngao ngán lại khe khẽ phát ra.

Căn nhà diện tích chưa đến 10m2 này là nơi trú ngụ của 6 thành viên trong gia đình bà. Bà Mai trước đây làm việc tại trạm xe lửa, bà kết hôn cùng ông Tuấn giữa cái lúc cuộc sống còn gặp muôn vàn khó khăn. Thế rồi những năm sau đó, lần lượt 6 người con (4 trai, 2 gái) ra đời.

Những tưởng cuộc sống cứ viên mãn trôi qua như thế nhưng chớ trêu thay, trong số 6 người con của ông bà thì có đến 2 đứa mắc bệnh tâm thần. Đó là người con trai cả Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1953) và người con trai út Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1971).

“Khi mới biết con bị bệnh, gia đình chúng tôi hoang mang mất một thời gian dài sau, không ai ngờ trong gia đình lại có những 2 người con bị mắc căn bệnh đó”, bà Mai ngậm ngùi nhớ lại.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 2

Lo sợ người con trai đi ra ngoài không biết đường về, bà Mai đã khóa trái căn buồng nhốt con vào đó. Ảnh: Duẩn.

Bà Mai kể, hai người con trai của bà đều mắc bệnh một cách rất ngẫu nhiên và đang ở trong độ tuổi trưởng thành. Đáng thương nhất là trường hợp của người con trai cả Nguyễn Ngọc Tâm.

Nguyễn Ngọc Tâm trước khi chưa phát bệnh là một cậu trai khỏe mạnh, trắng trẻo, dáng vẻ thư sinh nho nhã và đặc biệt học rất giỏi. Năm Tâm lên lớp 7, cậu đã được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi môn toán cấp thành phố.

Thế rồi, chấn thương từ một vụ ẩu đả của đám bạn trong trường khiến Tâm mất dần đi nhận thức. Từ một học sinh ưu tú, nhận thức của Tâm giảm sút đến mức gia đình buộc phải cho Tâm nghỉ học để điều trị bệnh.

Năm đó, ngôi trường nơi Tâm đang theo học là tập trung của nhiều thành phần khác biệt trong xã hội Sự khác biệt về quê quán, địa chỉ, thành phần xã hội khiến ngôi trường luôn có những cuộc xô xát, đánh nhau giữa các bên.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 3

Chú Nguyễn Ngọc Tâm hơn nửa thế kỷ qua sinh sống trong căn phòng rộng chưa đầy 3m2. Ảnh: Duẩn.

“Thằng Tâm khi đó học lớp 7, ngôi trường nó học xảy ra vụ xô xát giữa một bên là học sinh đến từ vùng sơ tán và bên kia là học sinh đến từ vùng nông thôn. Chúng đánh chửi nhau, lấy vật cứng ném nhau. Thằng Tâm đi ngang qua đó dính trọn nửa viên gạch vào đầu”, bà Mai đau đớn nhớ lại.

Kể từ thời điểm đó, trí não Tâm bắt đầu xuất hiện những hiện tượng lạ, cậu không nhớ hết được những thứ đã xảy ra trước kia, đôi khi còn không nhớ được cả tên bố mẹ mình.

Thương con, bà Mai cùng chồng đưa con đi thăm khám ở nhiều nơi, với chi phí đắt đỏ nhưng bệnh tình Tâm vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Sau nhiều năm như thế, ông bà đành chấp nhận một sự thật đau đớn rằng đứa con trai ông bà dành bao nhiêu hi vọng đã bị mắc chứng thần kinh phân liệt.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 4

Mọi sinh hoạt đều ở trong không gian chật hẹp này. Ảnh: Duẩn. 

Theo bà Mai, 6 đứa con của bà thì chỉ duy nhất người con trai thứ 4 (chú Nguyễn Ngọc Toàn, SN 1962) là có cuộc sống may mắn hơn các anh chị em khác. Còn lại tất cả 5 người còn lại đều gặp bất hạnh hay trục trặc gì đó trong cuộc sống.

“Đứa con gái thứ 2 sinh năm 1954, đi lấy chồng có cuộc sống riêng nhưng chồng lại chết trẻ vì căn bệnh đái tháo đường. Người con trai thứ 3 (chú Nguyễn Ngọc Giao, SN: 1958) cũng có vợ con tử tế nhưng mắc chứng vô sinh nên vợ bỏ nhà đi.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 5

Chú Tâm nghiện thuốc lá rất nặng. Ảnh: Duẩn.

Kể từ đó đến nay, thằng Giao cứ thơ thẩn, thần kinh cũng không được ổn định, kiếm sống bằng nghề bơm vá xe máy ở gần nhà. Rồi đến đứa con gái thứ 5 cũng chẳng khá khẩm gì khi lấy phải người chồng lười làm, cờ bạc để rồi cũng dẫn đến kết quả ly hôn.

Đứa con trai út (chú Nguyễn Ngọc Thắng, SN1971) giống như người anh cả cũng đột nhiên mắc phải bệnh điên”, bà Mai nghẹn ngào kể.

Người con trai thứ 4 là chú Nguyễn Ngọc Toàn tuy may mắn hơn các anh chị em khác nhưng kinh tế cũng vô vàn khó khăn do không có nghề nghiệp ổn định. Năm trước (2016), người chồng bao năm đầu ấp tay gối cũng đã bỏ bà Mai ra đi sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật.

Người mẹ hơn nửa thế kỷ nuôi con tâm thần

Chia sẻ riêng về hai người con bị mắc bệnh tâm thần, bà Mai không giấu được sự xúc động. Những dòng lệ như làm nhòa đi đôi mắt người mẹ khốn khổ.

Bà kể, người con cả là chú Nguyễn Ngọc Tâm tuy mắc bệnh nhưng không hay phá phách, gây lộn với hàng xóm. Tuy nhiên, chú Tâm lại rất hay đi lang thang và không bao giờ nhớ đường về.

“Những ngày đầu khi có mới mắc bênh, gia đình chúng tôi vẫn để cháu sinh hoạt bình thường như trước. Tuy nhiên có một lần, nó bỏ nhà, đi bộ lang thang ra mãi khu vực ngã ba Ba La (Hà Đông, Hà Nội) và ngồi ở đấy cả mấy ngày.

Gia đình tôi đi tìm cả tuần liền cũng không thấy đâu. May sao có người quen đi qua gặp nó đang ngồi ở ven đường chìa tay xin ăn nên người ta đón về cho gia đình”, bà Mai nhớ lại.

Bà Mai chia sẻ những khó khăn khi vệ sinh cho con. Ảnh: Duẩn.

Cũng kể từ lần đó, sợ có ngày con trai sẽ lại bỏ nhà ra đi và không nhớ đường về, ông bà đã quyết định vay mượn tiền họ hàng, làng xóm để ngăn nhỏ căn phòng chật hẹp của gia đình mình ra thành một căn phòng rộng chừng 3m2 để nhốt chú Tâm vào đó.

Căn phòng chật hẹp này vừa là nơi ăn uống cũng đồng thời là nơi vệ sinh riêng của người đàn ông đã ngoài 60 tuổi.

“Mới đầu ở trong phòng bí bách tù túng, cả ngày, cả đêm nó cứ kêu gào ầm ĩ, hàng xóm cũng nhiều lần sang nhắc nhở. Nó ở trong đó, đến bữa tôi lại đưa đồ ăn, thức uống qua cho ăn”, bà Mai cho biết.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 6

Bữa cơm của gia đình bà hiếm lắm mới có chút thịt. Ảnh: Duẩn.

Thời gian trôi qua, dường như chú Tâm đã dần quen với cuộc sống trong căn phòng tù túng, chú không còn kêu khóc nữa, cả ngày hết ngồi rồi lại nằm trên tấm phản nhỏ tựa một chiếc ghế băng đặt trong phòng.

Đều đặn cứ 2 ngày một lần, bà Mai lại mở cửa căn phòng chật hẹp hôi tanh mùi phân và nước tiểu để làm vệ sinh cá nhân cho người con trai điên dại. “Cứ vô thức thế thôi cháu ạ. Ăn rồi đi vệ sinh luôn ra đó”, bà Mai nghẹn ngào.

Đang trò chuyện với tôi, bà Mai bất giác giật bắn mình khi nghe tiếng gọi yếu ớt phát ra từ căn phòng nơi người con bệnh tật đang ở. Bà mở chiếc túi bóng lấy ra một gói thuốc lá, xe vỏ, rút ra hai điếu thuốc cùng chiếc bật lửa lật đật từng bước chân khó nhọc đi sang phòng bên.

Ba me va hai nguoi con tam than 7

Mỗi bữa cơm hết có 30 nghìn tiền thức ăn nhưng lại hết đến 60 nghìn đồng mua thuốc lá cho con trai hút. Ảnh: Duẩn.

Vừa đưa 2 điếu thuốc cùng chiếc bật lửa qua khe cửa hẹp, người mẹ già nua ấy lại bật khóc: “Nó nghiện thuốc lá nặng cháu ạ. Ngày nào cũng phải hút hết 3 bao thuốc.

Mà có rẻ gì cho cam, một bao những 20.000 đồng. Tính ra một ngày cũng hết 60.000 đồng tiền thuốc lá. Trong khi đồ ăn thức uống tôi cũng chỉ dám ăn rau dưa cho qua bữa”.

Cũng mắc phải căn bệnh thần kinh phân liệt như người anh trai nhưng người con trai út của bà Mai là chú Nguyễn Ngọc Thắng lại có những triệu chứng đáng lo ngại hơn. Mỗi lúc lên cơn, chú Thắng thường hay đập phá đồ đạc trong nhà, rồi chạy sang hàng xóm gây sự, hành hung người.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 8

Mỗi ngày, chú Tâm hút hết 3 bao thuốc lá. Ảnh: Duẩn.

“Năm nó 20 tuổi, khi đang ngồi xem tivi với một người hàng xóm thì nó quay sang đánh liên tiếp vào bả vai của họ. Hỏi lý do thì nó bảo, anh ấy nói con ăn trộm xe. Mặc dù người kia xác nhận là chưa từng nói câu đó nhưng nó vẫn cứ khăng khăng là chính tai nó nghe thấy.

Tôi đưa con đi khám thì được các bác sĩ cho biết nó bị mắc chứng thần kinh phân liệt giống như người anh trai. Lúc đó, tôi suy sụp hẳn, một đứa đã như vậy, giờ lại thêm một đứa nữa”, bà Mai nhớ lại.

Bà mẹ và hai người con tâm thần 9

Đã hơn 60 tuổi nhưng chú Tâm chẳng khác gì một đứa trẻ. Ảnh: Duẩn.

Bệnh tình của người con trai út càng ngày càng trầm trọng hơn, chú Thắng hay sang nhà hàng xóm chơi rồi lại tự nhiên nổi khùng lên, đập phá đồ đạc và đánh người. Nhiều lần, chính bà Mai cũng trở thành nạn nhân khi con trai lên cơn.

Năm 1997, mặc dù rất đau đớn, bà Mai đành phải đưa đứa con út của mình vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho đến tận bây giờ. Và cũng từng ấy thời gian, tháng nào bà Mai cũng lặn lội bắt xe đến đóng tiền ăn và thăm con.

“Những lần trước tôi đến thăm nó còn nhận ra nhưng dạo gần đây nó không còn nhận ra tôi nữa. Những lúc như vậy, lòng tôi lại đau như cắt. Có lẽ vì lâu ngày mới gặp nên nó quên tôi rồi”, bà Mai xúc động kể.

Người mẹ hơn nửa thế kỷ nuôi con tâm thần

Người mẹ hơn nửa thế kỷ nuôi con tâm thần chia sẻ với PV. Ảnh: Duẩn.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo của phường. Nguồn sống của gia đình bà phụ thuộc vào tiền trợ cấp của bà và 2 người con trai cũng được hơn 2 triệu, cộng với số tiền 2,7 triệu đồng tiền lương hưu. Số tiền ít ỏi đó không đủ để trang trải cho cuộc sống của cả một gia đình với biết bao nhiêu người đau ốm như thế.

Cảm thương cho gia cảnh của bà, nhiều bà con lối xóm có đến động viên, thăm hỏi, biếu bà chút quà để bà đỡ đần phần nào cuộc sống nhưng bà nhất quyết từ chối.

“Bà ấy bảo, bà ấy còn chăm sóc được cho các con, khi nào bà ấy mất đi thì lúc ấy mới nhờ bà con khu xóm chăm sóc, giúp đỡ cho người con trai mắc bệnh của mình”, một người hàng xóm với bà Mai chia sẻ.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus/GĐVN