Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:22
RSS

7 ngày kinh hoàng và nỗi ám ảnh khi bị sốt xuất huyết của bà mẹ bỉm sữa ở Hà Nội

Thứ hai, 28/08/2017, 16:55 (GMT+7)

Sốt cao liên tục, mắc sốt xuất huyết khi đang có con nhỏ, trong gia đình có vài người sốt xuất huyết... khiến nhiều người ở Hà Nội trở nên kinh sợ với dịch bệnh này.

Người vừa trải qua đợt sốt xuất huyết sợ đã đành, người chưa mắc sốt xuất huyết cũng sợ vì lo lắng không biết bao giờ tới lượt mình hoặc các thành viên khác trong gia đình mình.

Mắc sốt xuất huyết nên đau khắp người, đau cả nội tạng

Những ngày qua, sốt xuất huyết là cụm từ “nóng” bên quán trà, khu phố, nơi công sở hay các cuộc tán gẫu trên mạng.

Vừa trải qua đợt sốt liên tục tới 7 ngày, sau đó nằm bệt thêm 7 ngày nữa, chị Phạm Hồng Huệ (ở Khu B, Tập thể Đại học Mỏ địa chất, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tỏ ra quá kinh sợ về dịch bệnh này.

Chị Huệ cho biết: Chị bắt đầu phát hiện cảm giác hơi sốt từ trưa thứ hai (ngày 14/8), sau đó nhiệt độ cơ thể chị tăng dần. Do đang có dịch sốt xuất huyết, quanh nhà chị có nhiều bụi rậm và nhiều muỗi nên chị cũng dự cảm được điều gì đang đến với mình.

Quả nhiên, sang ngày 15/8, chị Huệ sốt cao tới 40,8 độ, dù đã uống thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cơ thể chị vẫn dừng lại ở 39 độ. Được tư vấn phải chờ 24h từ lúc sốt đi lấy máu xét nghiệm thì mới biết có phải sốt xuất huyết hay không, chị Huệ cố chờ. Sau đó, kết quả xét nghiệm trả về từ bệnh viện Medlatec cho thấy chị dương tính với sốt Dengue, tức chị mắc sốt xuất huyết thật.

Mắc sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nằm ghép giường ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Dân Việt

Chị Huệ điều trị tại nhà với thuốc hạ sốt, theo dõi các biến chứng như đã được tư vấn. Tới ngày thứ 7 kể từ khi mắc bệnh, chị vẫn chưa cắt sốt nên buộc phải vào viện. Đến ngày thứ 9 kể từ khi mắc sốt xuất huyết, chị mới ngừng sốt.

Mọi việc vẫn chưa dừng ở đó. Chị Huệ cho biết: Sau khi đã cắt sốt, vẫn là quãng thời gian vật vã bởi mệt, đau khắp người, cảm giác đau cả nội tạng trong bụng, đau hốc mắt, đau đầu..., nói chung là đau khắp nơi trên cơ thể, kèm buồn nôn và nôn. Chị Huệ còn phải giữ cơ thể, đặc biệt là đầu không được va đập vào đâu bởi nghe nói lúc đó mạch máu dễ vỡ, không may va đập thậm chí có thể chảy máu não!

“Tôi không ăn uống được gì nhiều, lại cứ ngửi thấy mùi khó chịu là nôn hết. Mà vào viện thì đủ các thứ mùi... Quả thực từ ngày cha sinh mẹ đẻ tới giờ, đây là trận ốm mà tôi thấy kinh hãi nhất, chưa bao giờ trải qua mà thấy sợ như vậy”!

“Sợ nhất là... con muỗi”!

Cũng vừa trải qua 7 ngày “chiến đấu” với bệnh sốt xuất huyết, chị Phạm Thu Hằng (ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) đã phải thốt lên: “33 năm được sinh ra. Ốm đau, mổ xẻ, chửa đẻ cũng từng trải qua nhưng không đáng sợ bằng lần ốm kinh hoàng này. Người to khỏe như con tịnh mà bị 1 con muỗi nó vật cho sốt 7 ngày đêm. Bây giờ nếu ai hỏi mình “Bạn sợ nhất con gì”, chắc mình trả lời ngay: “Sợ nhất con muỗi”!

Đến này 28/8, chị Hằng đã mắc sốt xuất huyết được 11 ngày, cắt sốt được 3 ngày nhưng người chị “cứ liêng biêng như đang bay lơ lửng”, các ban chưa bay hết. Chị ăn kém; tuy chịu khó uống oresol và cả truyền nước nhưng chị vẫn bị sụt 3kg, người mệt mỏi và vẫn phải nghỉ ngơi ở nhà chứ chưa đi làm được.

Chị Hằng cho biết, nhà chị không có muỗi, không có loăng quăng, xung quanh cũng không thấy có muỗi, vậy mà không hiểu bị muỗi đốt từ lúc nào, ở đâu... và mắc bệnh.

Quá sợ sốt xuất huyết

Sau 7 ngày 7 đêm sốt cao liên tục, chị Hằng ở (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết mình sợ nhất là con muỗi!

Đây mới chỉ là những trường hợp một cá nhân mắc bệnh. Ở những gia đình mà có nhiều người (3-4 người mắc sốt xuất huyết) thì mọi người còn cảm thấy kinh hãi, mệt mỏi hơn nhiều.

Các mẹ có con nhỏ như chị Huệ, khi mắc sốt xuất huyết đã phải vội cai sữa cho con dù con chị mới 18 tháng và chị chưa sẵn sàng cai (chị định chờ đến 24 tháng mới cai). Nhưng do các trận sốt làm chị mệt rũ, lại dùng patacetamol nhiều nên cực chẳng đã chị phải cho con cai ti mẹ sớm.

Tại cuộc họp gia ban phòng chống dịch sốt xuất huyết (chiều 25/8) tại Bộ Y tế, con số mắc sốt xuất huyết trên cả nước được đưa ra là: 100.000 ca mắc, 26 trường hợp tử vong.

Hà Nội chiếm 1/5 số ca mắc cả nước với trên 20.000 ca. Tiếp theo là TP.HCM với gần 19.000 ca.

Các tỉnh thành như Bình Dương, Đà Nẵng đứng kế tiếp với các con số mắc sốt xuất huyết lần lượt là 7.000 ca và gần 5.500 ca.

Như vậy, dịch sốt xuất huyết đã rải rộng từ Bắc đến Nam, số mắc nhiều nằm ở các thành phố lớn – nơi mật độ dân cư đông.

Nhìn nhận về dịch sốt xuất ở Hà Nội đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết năm nay tăng cao là do thời tiết bất thường (nắng nóng gay gắt sau đó lại mưa nhiều, nắng rồi lại mưa...). Mật độ di cư và di dân lớn cũng là nguyên nhân gây tăng nguy cơ sốt xuất huyết.

Để phòng sốt xuất huyết, cách hiệu quả vẫn là tiêu diệt bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước, lật úp hoặc vứt bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Ngoài ra, người dân cần hợp tác với ngành y tế hơn trong việc phun thuốc muỗi...

Tóm lại, tiêu diệt muỗi, diệt bọ gậy, không để muỗi đốt thì sẽ không có sốt xuất huyết!

Sốt xuất huyết và những điều bạn phải biết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe


 

 

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN