Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:43
RSS

Cuộc chuyện trò lúc nửa đêm của mẹ con nhà Mỡ trong “tâm bão” sốt xuất huyết

Thứ hai, 21/08/2017, 06:55 (GMT+7)

Mỡ là một bé gái 9 tuổi, đang học lớp 4. Nhà Mỡ nằm trong tâm ổ dịch sốt xuất huyết.

Đợt sốt xuất huyết năm nay, ba người thân trong gia đình Mỡ là cậu ruột em mẹ, vợ của cậu và Phong con trai của cậu mợ đã "dính" bệnh. An An, con gái lớn của cậu Mợ “di cư” tránh bão sốt xuất huyết nên sang ở nhà Mỡ.

Rồi đến lúc Mỡ bắt đầu hâm hấp sốt, mẹ Mỡ rất lo Mỡ có khả năng mắc sốt xuất huyết. Nhìn thấy trước cảnh tượng em Phong oằn oại la hét khi lấy máu, mẹ bắt đầu cuộc nói chuyện ngay trên giường ngủ, lúc nửa đêm để giúp Mỡ có một hình dung về những gì có thể đang đợi trước mắt.

Mẹ Mỡ (chị Nguyễn Tô Lan, ở Khu Tập thể Đồng Xa, Mai Dịch, Hà Nội) đã ghi lại câu chuyện ấy để chia sẻ với các gia đình có trẻ nhỏ khác. Bởi ngoài việc phòng bị tránh dịch bệnh, một việc cần thiết không kém là trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức cơ bản và tâm thế để đối phó với tình huống xấu nhất. Và đây là những trải lòng của mẹ Mỡ qua cuộc nói chuyện với con gái và cháu ruột mình.

Sốt xuất huyết

Mỡ ngoài cùng bên trái. Ngoài cùng bên phải là An An. Ở giữa là Phong em của An An. Ảnh mẹ Mỡ cung cấp

“Sốt xuất huyết vốn chỉ là một kỉ niệm khi nhắc tới thuở sơ sinh của cậu Dũng em trai mẹ, bố của An An. Khi ấy cậu đã xuất huyết ra máu đen đằng mũi. May nhờ sự cảnh giác của bà ngoại không cho uống bất kỳ thuốc gì khác và sự cấp cứu kịp thời, tận tâm của các bác sĩ Viện Nhi Trung ương (ngày ấy gọi là Nhi Thuỵ Điển) mà cứu được. Ra Viện  thế nào mà cậu lại còn lên được mấy lạng dư. Bây giờ, sốt xuất huyết đã không chỉ còn là thông báo trên báo đài, tivi, mạng internet mà đã xuất hiện ngay giữa nhà mình, thành hiện hữu thực sự của cơn đại dịch này.

Đứa bé nhất nhà, em Phong bị đầu tiên. Rồi thì người khoẻ nhất nhà, người vẫn cáng đáng mọi việc khi mẹ Mỡ thường xuyên đi công tác là cô Hương vợ cậu Dũng bị thứ hai. Chỉ sau một ngày sốt mà người bị vắt kiệt như quả ô mai, cơ thể không tiếp nhận được gì, tất cả các chỉ số đều tụt thảm hại, phải truyền nước liên tục, xét nghiệm máu liên tục cùng chế độ ăn đặc biệt.

Sot xuat huyet

Trẻ em bị sốt xuất huyết nằm trong bệnh viện. Ảnh: Lao động và xã hội

Hôm nay cậu Dũng lại sốt. Căn bệnh quật cậu nằm liệt triên giường, li bì không biết trời đất là gì. Mỡ cũng bắt đầu mệt mỏi, âm ấm người. Xét triệu chứng thì Mỡ có khả năng cao chỉ bị cảm lạnh, viêm họng vì không sốt cao và lặp lại, giọng khàn đặc, nước mắt nước mũi ròng ròng. Nhưng trường hợp xấu nhất vẫn phải tính đến. Trước khi đi ngủ, sau khi chèn màn cẩn thận, một bên Mỡ, một bên An An, mẹ bắt đầu câu chuyện đêm khuya.

- Mỡ ơi, Mỡ bắt đầu sốt rồi. Mẹ không biết con có bị sốt xuất huyết không, nhưng mẹ phải dặn con là nếu con bị sốt xuất huyết thì sẽ có chừng này thứ nhé:

Đầu tiên con sẽ sốt rất cao 3 ngày liền, 3 ngày này rất mệt mỏi nhưng sẽ đỡ hơn nếu con chăm chỉ uống oserol. Chai oserol mẹ hay mua cho các con ấy, một ngày con phải uống mấy chai như thế, từng ngụm nhỏ nhưng phải uống hết. Nếu con chán oresol thì mẹ đã có sẵn mấy chai nước dừa tươi, mẹ cho chút muối vào đó để bù phần muối đã mất đi của con. Con cần phải chăm chỉ uống.

Bệnh sốt xuất huyết

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được lấy máu để theo dõi các chỉ số thường xuyên. Ảnh minh họa: Thanh niên

Ngày thứ 4 con sẽ phải lấy máu để xét nghiệm. Ngày thứ 5 và có thể ngày thứ 6 cũng thế để xem con virus nó đang làm gì trong người con mà biết cách chữa trị. Con có thể sẽ phải truyền nước vào trong người. Đây là nước tốt để giúp con chống lại con virus.

Sau đó người con sẽ có thể nổi mẩn đỏ, sẽ ngứa, khó chịu lắm, nhưng xoa thôi nhé, chăm chỉ ăn nhiều, uống thuốc sẽ đỡ nhanh. Ngứa sẽ trầy da đau lắm, mà không hết đâu.

- Mẹ ơi, thế lấy máu thế nào, truyền nước thì làm thế nào?

- Bác sĩ lấy cái kim be bé, mềm mềm chích cho con một cái - còn không bằng con muỗi đốt đâu (mẹ đưa tay ra cấu Mỡ một phát làm thị phạm), rồi dính băng dính vào tay con. Con để yên tay như thế thì nước sẽ truyền vào người.

- (Mắt Mỡ với An An bắt đầu rưng rưng, tái mét) Thế nằm bất động cả ngày á mẹ?

- Không, chỉ mấy chục phút thôi. À mẹ cho xem ảnh cô Hương truyền nước nhé, vui ấy mà, không có gì đâu (mẹ mở máy điện thoại ra cho các con xem ảnh cô Hương hôm trước truyền nước). Con thấy không, cô vẫn cười tươi, chỉ cần để tay im một lúc thôi. Và rồi mình sẽ khoẻ hơn nhiều. À mà con từng truyền nước và lấy máu rồi, có nhớ không?

- Lúc nào hả mẹ?

- Hồi con mổ ở trong bệnh viện ấy (hồi 4 tuổi rưỡi Mỡ đã từng mổ cắt VA, nằm hậu phẫu mất mấy ngày ở bệnh viện Hồng Ngọc). Việc nhỏ như con thỏ ấy mà.

- A a a, con nhớ ra rồi. Con chơi với một bạn trai cùng phòng mẹ ạ. Sao con gái với con trai lại nằm chung một phòng được nhỉ. À, chắc là phòng bệnh nó thế. Con cũng chẳng nhớ lắm lấy máu với truyền nước thế nào cả, chỉ nhớ mấy đồ chơi ngoài hành lang thôi. Con nhớ là con sang phòng khác rủ các bạn ấy ra chơi.

- Thế con biết là con đã từng làm rồi nhé, con sẽ làm được tiếp, đúng không?

-  Vâng, con biết rồi. Mà hình như con vừa bị muỗi chích, ngứa lắm. Con đi lấy thuốc muỗi bôi đây.

-  Ừ, con bôi đi. Mẹ không biết là con muỗi này có gây sốt không. Nhưng nếu có thì con biết là sẽ phải làm gì rồi nhé.

Hai đứa trẻ đi ngủ đầy lo lắng. Nhưng chúng vẫn cần phải biết, nếu điều xấu xảy ra, chúng sẽ phải làm gì. Mẹ cũng tin là chúng sẽ làm được”.

(Khu tập thể Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 19/8).

8 điều bạn phải biết về sốt xuất huyết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

 

 

Mẹ Mỡ
Theo Đời sống Plus/GĐVN