Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:37
RSS

12 quận huyện “báo động đỏ” về sốt xuất huyết ở Hà Nội

Thứ sáu, 18/08/2017, 14:04 (GMT+7)

Hơn 90% số mắc sốt xuất huyết của Hà Nội nằm ở 12 quận huyện này.

Tại cuộc họp của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết vào chiều 17/8, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết: Dù sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại với số bệnh nhân đang giảm nhẹ trong 3 ngày gần đây, nhưng thời tiết vẫn đang mưa nắng thất thường, vì vậy, tình hình sốt xuất huyết vẫn rất khó lường.

Hiện tại, Hà Nội đã phân vùng sốt xuất huyết để tiện cho việc quản lý, khống chế dịch. Có 12 quận huyện ở mức báo động đỏ (do 90% bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ở các quận huyện này), 5 quận huyện báo động mức da cam do có số mắc thấp hơn, 13 quận huyện có số mắc thấp hơn nữa thì ở mức màu vàng.

Cụ thể, 12 quận huyện có báo động đỏ là: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Thường Tín, Hoàn Kiếm. Trong đó, quận Đống Đa chiếm số 1 về số mắc cộng dồn cao nhất với 2.921 trường hợp sốt xuất huyết tính từ đầu năm tới nay. Quận Hoàng Mai chiếm vị trí thứ hai với số mắc cộng dồn chỉ kém Đống Đa 5 trường hợp (2.916 trường hợp mắc).

Sốt xuất huyết

Tại bệnh viện Đống Đa, người bệnh đến khám sốt xuất huyết ngồi kín khu vực đăng ký. Ảnh: Vnexpress

Các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông có số mắc sốt xuất huyết thấp hơn nhưng cũng trên 1.000 trường hợp/quận. Hiện Hoàng Mai là quận đứng đầu bảng với số bệnh nhân phát hiện mới trong ngày (98 ca mỗi ngày).

Xếp loại da cam là các quận huyện: Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Tây Hồ, Ba Vì với số mắc cộng dồn từ 208 đến 329 trường hợp.

Xếp màu vàng là các quận huyện: Phú Xuyên, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Gia Lâm, Long Biên, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sơn Tây.

Tính từ đầu năm 2017 tới ngày 16/8, toàn thành phố có 17.365 ca mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Sot xuat huyet

Cách diệt muỗi, phòng sốt xuất huyết hiệu quả là lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt bọ gậy. Ảnh: Dantri

Tại cuộc họp, ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa côn trùng và động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, qua thực tế giám sát gần nhất ở tổ 20 phường Định Công (quận Hoàng Mai), trước phun thuốc, mật độ muỗi  khá cao với chỉ số trước phun là 50; sau khi phun thuốc, 2 tiếng sau quay lại, các chỉ số và mật độ muỗi đã trở về 0.

Việc phun thuốc muỗi là rất hiệu quả để diệt muỗi. Tuy nhiên, có vấn đề là sau khi phun xong, mưa xuống, muỗi lại lên. Vì vậy, ngành y tế kêu gọi mọi người không được ỷ vào cán bộ y tế cũng như việc phun thuốc diệt muỗi của cơ quan dịch tễ mà phải chủ động diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy trong nhà mình.

Công tác diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy cũng phải triệt để ở tất cả các hộ gia đình bởi có một thực tế, có những tổ dân phố, cả tổ chỉ duy nhất một nhà có bọ gậy và sinh muỗi. Nhưng muỗi từ nhà đó sẽ bay sang các nhà lân cận đốt người và hình thành ổ dịch.

Không chỉ các hộ gia đình, những nơi công cộng như chợ, trường học... cũng cần được kiểm soát về nơi chứa nước và bọ gậy. Vừa rồi đơn vị dịch tễ đi kiểm tra, ngay tại khu vệ sinh của một trường học có thùng phuy 200ml chứa nước và bọ gậy ở đó.

Sốt xuất huyết và những điều bạn phải biết. Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN