Thứ tư, 24/04/2024 | 13:14
RSS

6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc: Hệ lụy từ nạn cướp biển hoành hành

Thứ bảy, 12/11/2016, 12:50 (GMT+7)

Trước khi xảy ra vụ việc 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc ngoài khơi Philippines, đã xảy ra 64 vụ cướp biển tấn công tàu ở châu Á từ đầu năm đến nay.

Sự kiện:

Trao đổi với báo VnExpress vào ngày 12/11, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải Việt Nam cho biết tháng 5 vừa qua, Cục Hàng hải đã cảnh báo các tàu Việt Nam qua lại khu vực Đông Sabah và Nam Philippines về tình hình cướp biển. Sau vụ việc 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc khỏi tàu Royal 16 ngày 11/11, Cục tiếp tục khuyến cáo các tàu nâng cao cảnh giác khi vào vùng biển này.

Hiện vẫn chưa liên lạc được với 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc

Hiện vẫn chưa liên lạc được với 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc. Ảnh minh họa

Các cảng vụ được đề nghị tuyên truyền, phổ biến với chủ tàu, công ty quản lý khai thác về tình hình cướp, đồng thời triển khai kế hoạch an ninh như tăng cường trực ca khi neo đậu tàu, chiếu sáng xung quanh, bấm còi báo động khi phát hiện tàu lạ tới gần.

Bên cạnh đó, các tàu phải duy trì trực ca liên tục để nhận các khuyến cáo, chuyển hướng hoặc tránh đi vào khu vực nguy hiểm, duy trì liên lạc với đơn vị chức năng... Vụ tàu Việt Nam bị tấn công cũng được Tổ chức Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp vũ trang tại châu Á (ReCAAP) thông báo đến các tàu đi vào biển Đông ngày 11/11.

Đáng chú ý, báo cáo của ReCAAP cho hay tháng 10 vừa qua đã xảy ra 5 vụ trong tổng số 64 vụ cướp biển tấn công tàu ở châu Á năm 2016 (giảm 65% số vụ so với năm 2015). Tuy nhiên, số vụ nghiêm trọng vẫn tương đương các năm trước với 11 vụ bắt cóc thủy thủ đoàn và 3 vụ cướp tàu để lấy dầu.

Cũng liên quan đến vụ việc 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc, tối 11/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines liên lạc khẩn cấp với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và tìm cách giải quyết vụ việc sớm nhất.

Khu vực nơi tàu Việt Nam bị cướp biển tấn công, bắt cóc thuyền viên.

Khu vực nơi tàu Việt Nam bị cướp biển tấn công, bắt cóc thuyền viên. Ảnh ReCAAP

Ông Lê Hải Bình cho biết ngay trong chiều 11/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã liên hệ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Philippines để tìm hiểu thông tin và tìm các biện pháp giải cứu sáu thuyền viên. Đại sứ quán cho biết thuyền viên bị thương trong tình trạng tỉnh táo và đang được điều trị tại Bệnh viện Brent của Philippines.

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo vụ việc đến các cơ quan chức năng trong nước đề nghị khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của Philippines điều tra vụ việc, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Như đã thông tin, sáng sớm 11/11, một nhóm người có vũ trang, nghi là nhóm khủng bố Abu Sayyaf tấn công một tàu chở hàng của Việt Nam ngoài khơi tỉnh Basilan (Philippines). Vào thời điểm đó, trên tàu có 19 người, vụ việc khiến 1 người bị thương và 6 thủy thủ Việt Nam bị bắt cóc.

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus