Thứ sáu, 19/04/2024 | 00:53
RSS

Vụ hàng nghìn ngôi mộ từ Hà Nội đem “vùi trộm” ở Thái Bình: Tiết lộ của người đào mộ (Kỳ 2)

Thứ bảy, 12/11/2016, 11:55 (GMT+7)

“Cả đời tôi, dù bao nhiêu năm lăn lộn với mồ mả, cũng chưa bao giờ thấy nhiều hài cốt như thế, cứ tầng tầng, lớp lớp...”, ông Hóa nói.

Hình ảnh quy tập hài cốt tại công trường nơi ông Hóa từng làm việc

Hình ảnh quy tập hài cốt tại công trường nơi ông Hóa từng “làm việc”

300 nghìn đồng cho một tiểu sành chứa hài cốt

Phóng viên tìm đến nghĩa trang thôn Trung (xã Thái Học, Thái Thụy, Thái Bình), nơi lực lượng công an huyện đã bắt quả tang các đối tượng chôn trộm tiểu sành chứa hài cốt vào ngày 12/10, để tìm hiểu sự việc.

Sự xuất hiện của chúng tôi gây chú ý cho người dân, bởi họ đều đang bức xúc và hoang mang do chuyện hài cốt bị chôn trái phép ở nghĩa địa của thôn. Để trấn an người dân, phóng viên giới thiệu là những người ở Hà Nội đang đi tìm hài cốt người thân thất lạc do kẻ xấu lén lút vận chuyển đi nơi khác.

Sự lấp liếm mang tính tình thế này không ngờ lại thu được hiệu quả, người dân tỏ ra chia sẻ, đồng thời “tố” rằng nhân vật chính đứng sau sự việc là ông Lê Văn Hóa (SN 1958), người quản trang ở xã Thái Tân.

Có được số điện thoại của ông Hóa, phóng viên liên lạc với người đàn ông này, cũng với lý do đi tìm hài cốt người thân, và xin gặp mặt. Ông Hóa lập tức đồng ý mà không chút nghi ngờ, kèm thêm lời dặn: “Gọi điện về báo gia đình, bảo thắp hương khấn vái trước đi, các cụ có cho phép thì mới tìm được”.

Ngôi nhà của ông Hóa nằm khá biệt lập giữa cánh đồng, gần với nghĩa trang của xã Thái Tân. Ông Hóa dường như già hơn nhiều so với tuổi gần 60, hai mắt mờ đục mệt mỏi và mái tóc rối tung cho thấy ông vừa trải qua mỗi quãng thời gian khá vất vả.

Suy đoán này của chúng tôi được ông Hóa xác nhận: “Tôi vừa mới đi thu hoạch ở Hà Nội mấy tháng”. Để ý thấy chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe thấy hai từ “thu hoạch”, ông Hóa giải thích: “Đấy là tôi đi thu hài cốt ở chỗ công trình người ta chuẩn bị xây chung cư. Chả biết làm sao mà mấy tay trên Hà Nội lại tìm đến tôi, rồi thuê tôi lên đó để giúp họ di dời hài cốt. Giá là 300 nghìn đồng/ngôi.

Cái giá ấy thì hời quá rồi, nên tôi nhận lời ngay. Nói thật, tôi cứ nghĩ là làm mươi, mười lăm ngôi thôi. Nhưng không ngờ lại có hàng nghìn ngôi, không, phải nói là hàng mấy nghìn ngôi, tôi cũng không thể tính hết được”.

Qua lời ông Hóa, chi tiết của việc đào mộ dần dần được hé lộ, những thông tin mà ông Hóa cung cấp cũng phù hợp với báo cáo về sự việc của UBND huyện Thái Thụy. Cụ thể, trong quá trình khảo sát công trình xây dựng trung tâm hỗn hợp thương mại và nhà ở tại số 423 Minh Khai (phường Vĩnh Tuy, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Dệt Minh Khai thực hiện, đơn vị thi công phát hiện vô khối hài cốt.

Sau khi phát hiện hài cốt, công ty này đã báo cáo lên UBND phường Vĩnh Tuy để tìm kiếm và xử lý. Để di dời số hài cốt trên, công ty đã ký hợp đồng di dời mồ mả, hài cốt với ông Lê Trung Tuấn (SN 1976, trú tại đường Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Theo đó, ông Tuấn có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục để di dời mồ mả, hài cốt theo đúng quy định.

Tuy nhiên, ông Tuấn lại thuê Trần Viết Ðoài, Ðỗ Minh Tuân trực tiếp thu gom số hài cốt đã tìm kiếm được cho vào tiểu sành và liên hệ với ông Hóa để tìm địa điểm và thuê người chôn cất số tiểu sành có chứa hài cốt trên địa bàn huyện Thái Thụy, với giá 500.000 đồng/tiểu sành. Bản thân ông Hóa khẳng định, ông chỉ nhận được 300.000/tiểu sành, phần còn lại ông không rõ đã đi đâu.

“Tôi mang các cụ về đây, chôn ở Thái Hưng, Thái Thuần và dự định chôn ở Thái Học, nhưng huyện với tỉnh không cho, nên lại mang đi rồi” – ông Hóa cung cấp.

Ông Hóa kể về quá trình quy tập hàng ngàn bộ hài cốt

Ông Hóa kể về quá trình “thu hoạch” hàng ngàn bộ hài cốt

Mộ tập thể nhiều, có cả mộ cá nhân với khuyên tai, khăn vải đỏ

Bày tỏ sự thất vọng khi các tiểu sành chứa hài cốt đã buộc phải di dời khỏi địa phương, phóng viên lo sợ rằng sẽ không tìm được mồ mả của người thân. Ông Hóa trấn an: “Các hài cốt lấy lên, chúng tôi đều có lập gia phả cả, coi như là lưu lại làm phúc. Các chú cứ yên tâm, nếu mà có duyên sẽ tìm được thôi”.

Sau câu nói ấy, ông Hóa lại tỏ ra băn khoăn: “Nhưng có đúng là các chú đi tìm hài cốt người thân không? Tại sao tôi hỏi vậy, bởi vì khu ấy ít có mộ cá nhân lắm, toàn là mộ tập thể thôi. Như người ta bảo thì là mộ tập thể của những người chết đói năm 1945.

Cả đời tôi, dù bao nhiêu năm lăn lộn với mồ mả, cũng chưa bao giờ thấy nhiều hài cốt như thế. Như kiểu người ta chôn hàng đống ấy, cứ tầng tầng, lớp lớp. Mỗi lớp hài cốt, người ta lại rắc một lớp vôi bột rất dày. Đào qua lớp vôi bột ấy, lại thấy một lớp hài cốt khác. Có những hố cả trăm hài cốt, xương xẩu lẫn lộn ấy chứ!”.

Vẫn tiếp tục là lời ông Hóa: “Cứ khoảng bằng một cái mâm thì lại túm tụm 5 hay 6 đầu lâu – phải nói là có hàng nghìn đầu lâu đấy. Nhưng, cứ động vào là vỡ ra như bột. Chỉ còn xương ống, xương bánh chè là nguyên vẹn. Chúng tôi đưa lên, rửa sạch bằng nước thơm, rồi quy tập rất đàng hoàng. Xương được bọc vào vải đỏ cẩn thận, sau đó đặt vào tiểu sành chờ đem đi chôn.

Có bất cứ vật gì để con cháu người ta đến nhận, chúng tôi đều để riêng, không dám phạm vào. Tôi nhớ là có cả răng vàng, khuyên tai bằng bạc và cả mấy cái áo len đỏ đỏ nữa. À, với lại có rất nhiều đồng xèng – không hiểu sao các cụ chết đói mà nhiều đồng xèng thế! Những thứ ấy, chúng tôi đều ghi lại cẩn thận”.

Sực nhớ ra điều gì, ông Hóa lại kể: “Đúng rồi, không phải là không có hố cá nhân đâu. Bà cụ nhà các chú có đặc điểm gì để nhận dạng, hay có mang theo vật gì lúc chết không? Vì có một ngôi mộ, ghi rõ tên đàng hoàng, có cả bia nữa, mà lại là người ở Hà Nội luôn.

Riêng ngôi ấy, chúng tôi để trong miếu của công trường cả tuần liền xem có ai đến nhận không, nhưng chả thấy. Ngoài ra, còn mấy ngôi mộ cá nhân nữa, nhưng chả ngôi nào còn ván thiên cả, chỉ còn ván địa thôi, mà xương xẩu cũng hỏng gần hết”.

Những bộ hài cốt đưa từ Hà Nội về chôn tại xã Thái Thuần, nhưng sau đó đã được di dời đi nơi khác

Những bộ hài cốt đưa từ Hà Nội về chôn tại xã Thái Thuần, nhưng sau đó đã được di dời đi nơi khác

Sau một hồi lân la, chúng tôi đã xin ông Hóa được số điện thoại của người đã thuê ông “thu hoạch” hài cốt và đem về chôn ở Thái Thụy.

Lần theo số điện thoại này và địa chỉ công trường mà ông Hóa cung cấp, phóng viên tiếp tục nhập vai là người đi tìm hài cốt người thân để tiếp cận những người đang trực tiếp “thu hoạch” ở Hà Nội. Những phát hiện tiếp theo càng khiến phóng viên giật mình với thực trạng quy tập hài cốt người quá cố đang diễn ra ở công trường xây dựng hoành tráng ngay giữa lòng Hà Nội.

Hoài Sơn
Theo Tuổi Trẻ & Đời Sống