41 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nguồn báo chí Mỹ cho biết, tính đến nay có khoảng 41 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm từ ngày 22/10 đến 4/11 để bầu Tổng thống Mỹ, hai viện của Quốc hội và Thống đốc các bang.
Trên thực tế, ngày bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rơi vào thứ Ba và do đó, người Mỹ càng có lý do để đi bầu sớm, tránh phải xếp hàng dài trong ngày 8/11. Ước tính số người đi bỏ phiếu sớm năm nay có thể vượt qua mức 46 triệu người trong cuộc bầu cử năm 2012.
Bỏ phiếu sớm ở Mỹ là trường hợp những cử tri đăng ký trước được phép bỏ phiếu trước ngày bầu cử. Một số bang cho phép cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện trong khi các bang khác đều cho phép bỏ phiếu sớm nếu như trong ngày bầu cử, cử tri không thể đến được.
Vài năm gần đây, 34 bang ở Mỹ còn cho phép đi bỏ phiếu sớm “vô điều kiện”, nghĩa là cử tri Mỹ vẫn đi bỏ phiếu trước thời hạn ngay cả khi họ có thể bỏ phiếu đúng ngày 8/11.
Nhiều cử tri đã đi bầu cử Tổng thống Mỹ sớm
Trong một diễn biến khác, các cuộc thăm dò trong hai ngày cuối tuần của CBS News, ABC News và Reuters cho thấy bà Clinton hơn ông Trump 4-5 điểm, trong khi ông Trump hơn bà Clinton 5 điểm tại cuộc điều tra của LA Times và 1 điểm tại cuộc điều tra của IBD.
Tại các bang do dự, các cuộc điều tra mới nhất cho thấy bà Clinton khá an toàn tại bang Michigan, hơn chút ít tại bang Pennsylvania, hòa ông Trump ở bang Florida và thua ở bang Ohio.
Nhìn chung, mục tiêu tranh chấp chính của hai ứng cử viên trong ngày bầu cử 8/11 là bang Florida, bang Carolina Bắc và bang Pennsylvania, những bang có số cử tri lớn và có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Tại bang Florida, hiện đã có 49,94% cử tri đi bỏ phiếu sớm, trong đó số cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu nhiều hơn Cộng hòa là 88.000 người.
Hơn 80 triệu người Mỹ không đi bầu Tổng thống
Dữ liệu đợt bầu cử năm 2012 cho thấy có 112 triệu người Mỹ không đi bỏ phiếu, theo Vox. Lúc đó nước Mỹ có 241 triệu người trong độ tuổi bầu cử, nhưng chỉ có 129 triệu người đi bầu Tổng thống, tỷ lệ là 53%.
Có những lý do để suy đoán tỷ lệ này sẽ cao hơn một chút trong năm nay, vì tỷ lệ đăng ký đi bầu cao hơn và sự căng thẳng trong cuộc đua giữa Donald Trump và Hillary Clinton.
Hàng chục triệu người Mỹ trong quá khứ đã không đăng ký đi bầu cử. Nếu lịch sự lặp lại, ước tính sẽ có từ 80 triệu – 100 triệu người Mỹ trong độ tuổi bầu cử nhưng không đi bỏ phiếu vào ngày 8/11. Đôi khi là do họ không đủ tiêu chuẩn, do những yêu cầu về nhập cư.
Phổ biến hơn, nhiều người thường quên hạn chót đăng ký. Không như Thụy Điển hoặc Đức, chính phủ Mỹ không tự động đăng ký cho những người đủ tiêu chuẩn bầu cử. Thay vào đó, mọi người phải nhớ hạn đăng ký – và thời gian khác nhau theo từng địa phương.
Nhiều người Mỹ lại đơn giản nghĩ rằng bầu cử không có ý nghĩa. Một số điểm bầu cử, cử tri phải xếp hàng rất dài để đợi bỏ phiếu. Nhiều điểm bầu cử không bố trí thuận tiện cho người khuyết tật nên họ thường bỏ qua cơ hội bầu cử.
Có vô vàn lý do khiến nhiều người Mỹ không đi bầu cử Tổng thống Mỹ
Dù vậy, nhiều người không đi bầu không phải vì bất tiện mà là do họ không quan tâm đến bầu cử, hoặc không thích các ứng cử viên, hoặc không quan tâm, đặc biệt là các cộng đồng dân nghèo.
Nước Mỹ có nhiều bầu cử hơn các nước khác. Cứ 4 năm một lần, người Mỹ phải đối mặt với các đợt bầu cử địa phương, bầu cử bang, bầu cử liên bang. Vì vậy nhiều người Mỹ dần có thói quen là không đi bỏ phiếu cho bất cứ cuộc bầu cử nào.
Cuối cùng, do hệ thống chính trị Mỹ tạo lên hai đảng lớn. Trong khi đó một số người Mỹ không thích cả hai đảng hoặc không thích ứng cử viên của hai đảng nên họ quyết định ngồi nhà.