Thứ năm, 25/04/2024 | 09:10
RSS

2.100 tỷ ‘mất sạch’ khỏi tài khoản bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Thứ bảy, 23/03/2019, 20:14 (GMT+7)

Sau 3 tuần tạm dừng phiên tòa để xác minh 2.102 tỷ đồng tiền gửi của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ; các ngân hàng đã có công văn trả lời.

Sau hơn 3 tuần tạm dừng vụ án ly hôn giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên để làm rõ khoản tiền 2.100 tỷ đồng liên quan đến yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, các ngân hàng đã có công văn trả lời.

Theo kết quả xác minh, hiện chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ đồng tại ngân hàng Eximbank. Riêng với những tài sản nằm tại ngân hàng nước ngoài hiện chưa thể xác minh do bị từ chối cung cấp thông tin khách hàng. Như vậy, hơn 2.100 tỷ đồng đã "bốc hơi" khỏi các tài khoản do bà Thảo đứng tên.

Trước đó, tại phiên tòa ngày 1/3, HĐXX thông báo tạm dừng xét xử để xác minh các khoản tiền gửi của nguyên đơn (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) tại 3 ngân hàng Eximbank, BIDV, Vietcombank, theo yêu cầu phản tố của bị đơn (ông Đặng Lê Nguyên Vũ) tại phiên tòa.

2.100 tỷ biến mất không dấu vết khỏi tài khoản bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Internet

Tại những ngày xét  xử, phía ông Vũ đề nghị tòa xác minh số tiền này để đưa vào phân chia vì cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy trong 20 năm chung sống. "Không ai ngoài nguyên đơn là bà Thảo có thể rút số tiền này”, phía ông Vũ nhận định.

Tuy nhiên, bà Thảo không đồng ý đưa vào chia vì chưa qua hòa giải. Người đại diện theo pháp luật của bà cho rằng số dư tài khoản xác minh mà Tòa công bố là vào năm 2015-2016. Sau thời điểm này, số tiền không còn.

Trao đổi với Zing.vn trước đó, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc, số tiền 2.102 tỷ đồng ở 3 ngân hàng bà Thảo thừa nhận có (chưa nói đến việc dùng hết hay chưa) thì đó đương nhiên xem tài sản chung.

Theo quy định của pháp luật, tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất. Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi không thỏa thuận được là tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố hoàn cảnh của gia đình, của vợ, chồng, công sức đóng góp của vợ chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN