Mỗi ngày bạn chỉ dành ra ít phút để tập 10 động tác yoga dưới đây sẽ giúp cơ thể dẻo dai, trẻ trung và tràn đầy năng lượng cho một ngày làm việc.
Động tác 1: Tư thế gập - cúi:
Ngồi thẳng lưng, hai bàn chân chạm vào nhau, đầu gối gập và xòe sang hai bên, kéo gót chân về gần xương chậu. Ngón tay cái và ngón trỏ nắm và giữ chặt ngón chân cái. Bạn có thể sử dụng chăn hoặc khăn tắm gập để dưới đùi trong những lần tập đầu để tránh bị đau do căng cơ.
Động tác này giúp căng duỗi cơ đùi trong và cơ háng, xoa dịu sự mỏi mệt, có tác dụng cực kỳ tốt cho những người ở tuổi mãn kinh.
Động tác 2: Tư thế bắc cầu:
Nằm ngửa trên thảm tập, gập gối, hai cánh tay duỗi dọc theo cơ thể, bàn tay úp. Đặt trọng tâm ở hai chân, nâng dần hông và đặt gối yoga ở dưới xương cụt, để cơ thể nằm dựa vào gối và hít thở đều. Muốn kết thúc động tác, bạn đặt trọng tâm vào chân, nhấc hông, bỏ gối yoga, đặt lưng xuống sàn rồi từ từ ngồi dậy.
Có thể sử dụng gối yoga có độ cao vừa phải hoặc dùng một cuốn sách dày để thay thế, giúp động tác nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn. Động tác này giúp cho xương sống cứng cáp dẻo dai, vận động các cơ ngực, bụng và vùng lưng dưới.
Động tác 3: Tư thế đứa trẻ:
Quỳ gối, ngồi lên gót chân, mở hai khớp rộng bằng hông. Gập người và vươn ra phía trước, hạ thấp cơ thể, trán chạm sàn, hai tay để phía trước, bàn tay úp. Để bài tập dễ dàng hơn, có thể đặt một chiếc khăn tắm giữa bắp chân và gân kheo để làm giảm cọ sát và căng cơ. Động tác này giúp giãn các cơ hông, đùi và lưng.
Động tác 4: Tư thế hoa sen - Padmasana
Ngồi trên một tấm thảm, hãy chắc chắn là chân của bạn được kéo căng và lưng thẳng. Gập đầu gối chân phải, đặt chân lên đùi trái sao cho bàn chân hướng lên trên, gót chân gần dạ dày bạn. Làm tương tự với chân trái. Hãy chắc chắn cột sống và đầu luôn giữ thẳng.
Giữ nguyên tư thế, kết hợp hít thở sâu và đếm 1 - 100 là kết thúc động tác.
Lưu ý: Nếu bạn đang có vấn đề đau khớp gối hoặc mắt cá chân thì tốt nhất nên nhờ huấn luyện viên hướng dẫn cách tập.
Động tác 5: Tư thế vặn mình - Marichyasana
Ngồi trên một bề mặt phẳng, chân và lưng thẳng. Gập đầu gối bên phải, bàn chân áp sát mặt đất, gần xương chậu, đầu gối ngang ngực. Các ngón chân ở bàn chân trái hướng lên trên. Chắc chắn là cột sống thẳng đứng, căng cơ hai cánh tay. Hít một hơi thật sâu, xoay về bên trái từ phần thắt lưng.
Quấn một cánh tay qua đầu gối và nắm chặt cánh tay còn lại ở phía sau lưng. Hít thở bình thường, đảm bảo lưng thẳng, đầu xoay về bên trái, xương vai hai bên đối xứng nhau và ngực mở rộng. Giữ tư thế này trong khoảng 1 phút và lặp lại với phía bên kia.
Lưu ý: Tránh tư thế này nếu bạn đang bị chấn thương nghiêm trọng ở lưng, có tiền sử đau đầu hoặc đau nửa đầu, bị huyết áp cao hay huyết áp thấp, mất ngủ.
Động tác 6: Tư thế cây cung - Dhanurasana
Nằm sát bụng xuống một mặt phẳng, hai chân dang ra và hai cánh tay đặt bên cơ thể. Gập đầu gối vào bên trong, dùng hai tay kéo giữ hai mắt cá chân. Hít vào, từ từ nâng ngực từ mặt đất, kết hợp kéo mắt cá chân, lúc này, trọng lượng cơ thể chủ yếu dồn vào vùng bụng.
Kéo giãn cổ và nhìn thẳng, đừng quên thư giãn cơ mặt, bạn có thể làm được dễ dàng điều này bằng cách mỉm cười. Tập trung vào hơi thở và cố định vị trí cơ thể. Giữ tư thế này trong 20 giây.
Lưu ý: Cần tránh tư thế này nếu bạn bị huyết áp cao hay huyết áp thấp, từng bị chứng thoát vị, chấn thương ở cổ, đau lưng, đau đầu, mang thai hoặc mới phẫu thuật bụng.
Động tác 7: Tư thế cái cày - Halasana
Đặt lưng nằm xuống một mặt phẳng, hai cánh tay đặt bên cạnh cơ thể, lòng bàn tay úp xuống dưới. Hít vào, dùng lực ở cơ bụng nhấc chân lên khỏi mặt đất, lưng vuông góc mặt sàn. Sử dụng bàn tay hỗ trợ hông để nhấc chúng lên khỏi sàn. Gập hai chân ra sau đầu, ngón chân chạm mặt sàn, giữ thẳng chân.
Đừng quên giữ cho lưng vuông góc mặt sàn. Giữ tư thế trong vòng 1 phút, sau đó đưa chân trở về kết hợp thở ra nhẹ nhàng.
Lưu ý: Nếu bạn từng bị đau cột sống hoặc đau lưng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhờ huấn luyện viên hướng dẫn tập ở tư thế này. Phụ nữ mang thai hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt nên tránh tư thế này.
Động tác 8: Tư thế đứng bằng vai - Sarvangasana
Duỗi thẳng người trên một mặt phẳng. Nâng chân lên một góc 90 độ so với mặt đất. Đặt lòng bàn tay úp xuống và nâng eo, chân di chuyển về phía trước.
Dùng tay hỗ trợ nâng eo, nâng chân cao, tạo với sàn một góc 90 độ. Bây giờ bạn sẽ nâng toàn bộ cơ thể, toàn bộ trọng lượng lúc này dồn lên hai bả vai. Giữ tư thế trong khi đếm được 50-100, mắt nhìn theo móng chân bạn, chân giữ nguyên vị trí.
Động tác 9:Tư thế trồng cây chuối - Shirshasana
Từ tư thế đứng, bạn ngồi xổm lên gót chân, hai đầu gối và hai bàn chân chụm vào nhau, đặt bàn tay này lên khuỷu tay bên kia. Đưa cánh tay xuống phía sàn, bên dưới vai. Giữ nguyên khuỷu tay, đưa hai bàn tay lại để tạo thành thế 3 chân trên sàn, các ngón tay đan lại với nhau. Đặt đỉnh đầu trên sàn, phần sau của đầu tựa vào hai bàn tay đang đan vào nhau.
Giữ nguyên đầu, khuỷu tay, thẳng đầu gối và nâng hông lên. Bước chân về phía trước, đầu gối giữ thẳng. Khi bàn chân tiến đến gần đầu phải cảm nhận được lưng thẳng ra. Tiếp tục di chuyển cho đến khi hông hoàn toàn ở ngay trên đầu. Giữ tư thế này trong 30 giây. Nhấc bàn chân lên khỏi sàn, co đầu gối lại, hướng về phía ngực. Đưa bàn chân lên đến mông, cố gắng giữ vị trí này, lưng thẳng.
Giữ đầu gối co lại và chụm vào nhau, từ từ thẳng hông cho đến khi hai đầu gối hướng thẳng lên trần nhà. Tập chậm rãi, tập trung vào khuỷu tay, đảm bảo chúng không di chuyển. Duỗi thẳng đầu gối một cách từ từ, đưa bàn chân lên. Đừng quên dồn trọng lượng cơ thể lên khuỷu tay và hít thở sâu.
Động tác 10: Tư thế thư giãn - Shavasana
Nằm ngửa trên một bề mặt phẳng và nhắm mắt lại. Thư giãn cơ thể, ngón chân hướng ra hai bên. Đặt hai tay dọc cơ thể, lòng bàn tay mở, hướng lên trên. Thở chậm và sâu, thư giãn hoàn toàn nhưng không để cơ thể chìm vào giấc ngủ. Thực hiện tư thế này 10-15 phút.
Bạn đã bao giờ tập Yoga để làn da sáng đẹp hơn? Nếu chưa thì hãy tập luyện ngay đi thôi, bạn sẽ cảm thấy làn da đẹp hơn mỗi ngày - đẹp từ trong ra ngoài mà không cần tốn tiền đầu tư cho một loại kem dưỡng da đắt tiền nào đó đâu nhé!