Một nữ sinh viên trẻ xuất sắc trong học tập nộp đơn ứng tuyển vào vị trí quản lý trong một công ty lớn. Cô đã vượt qua cuộc phỏng vấn đầu tiên. Giám đốc công ty đã thực hiện cuộc phỏng vấn cuối cùng để đưa ra quyết định.
Vị giám đốc nhận thấy rằng, CV của cô khá hoàn hảo, tất cả các thành tích học tập đều xuất sắc từ cấp 2 cho đến khi học thạc sĩ.
Giám đốc hỏi: “Em đã nhận được học bổng nào ở trường chưa?”
Nữ sinh viên: “Em chưa ạ”
Giám đốc: “Có phải cha em chi trả tiền học phí cho em không?”
Nữ sinh viên: “Cha em đã qua đời khi em mới 1 tuổi, chính mẹ đã đi làm để nuôi em ăn học”
Giám đốc: “Mẹ em làm việc ở đâu?”
Nữ sinh viên: “Mẹ em làm nghề giặt quần áo”.
Giám đốc yêu cầu nữ sinh viên xòe bàn tay ra, ông nhận thấy đôi tay cô gái không chút tì vết.
Giám đốc: “Em đã bao giờ giúp mẹ giặt quần áo chưa?
Nữ sinh viên: “Em chưa từng ạ. Mẹ em luôn muốn em học và đọc sách nhiều hơn. Hơn nữa, mẹ có thể giặt quần áo nhanh hơn em”.
Giám đốc: “Tôi có một yêu cầu. Hôm nay về nhà, em hãy rửa tay cho mẹ rồi đến gặp tôi vào sáng mai”.
Sau khi trở về nhà, tối đến, nữ sinh viên thực hiện yêu cầu của giám đốc. Cô ngồi bên mẹ, nói:
- Con rửa tay cho mẹ nhé!
Người mẹ thấy kì lạ với những cảm xúc lẫn lộn, bà đưa tay cho con gái. Cô gái cầm lấy đôi bàn tay mẹ, bắt đầu rửa.
Bỗng nước mắt cô cứ thế chảy ra khi nhìn đôi bàn tay của mẹ. Đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy đôi bàn tay ấy đã có nhiều vết nhăn cùng cả những vết bầm tím. Có nhiều vết bầm đau đến mức mẹ cô rùng mình lên khi cô gái chạm vào.
Cô gái bật khóc khi nhìn thấy đôi bàn tay nhiều vết nhăn, vết bầm tím của mẹ (Ảnh minh họa)
Đây cũng là lần đầu tiên cô nhận ra rằng chính đôi bàn tay này đã giặt quần áo hàng ngày để lo cho cô ăn học. Những vết bầm tím trên tay người mẹ già là cái giá mẹ cô phải trả cho những thành tích học tập và tương lai của con gái.
Sau khi rửa tay cho mẹ, cô gái lặng lẽ giặt chỗ quần áo còn lại giúp mẹ. Đêm đó, hai mẹ con nói chuyện rất lâu. Sáng hôm sau, cô gái đến văn phòng giám đốc.
Giám đốc nhận thấy đôi mắt cô gái sưng lên vì khóc, ông hỏi:
- Em có thể cho tôi biết những gì em đã làm và học được sau ngày hôm qua không?
Nữ sinh viên trả lời:
- Em đã rửa tay cho mẹ và phụ mẹ giặt quần áo.
- Hãy cho tôi biết cảm xúc của em?
Nữ sinh viên từ từ trả lời:
- Em đã hiểu thế nào là sự biết ơn. Không có mẹ, em sẽ không có ngày hôm nay. Em biết mẹ mình đã cực khổ, vất vả như thế nào để hoàn thành công việc của mình. Bên cạnh đó, em đã hiểu tầm quan trọng và giá trị của các mối quan hệ trong gia đình.
Vị giám đốc nói:
- Đây đúng là những gì chúng tôi đang tìm kiếm cho vị trí tuyển dụng. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của người khác, một người biết đau khổ của người khác để hoàn thành công việc, một người sẽ không đặt tiền làm mục tiêu duy nhất trong cuộc sống. Chúc mừng em đã trúng tuyển vị trí này.
Sau khi được nhận vào làm, cô gái làm việc rất chăm chỉ và nhận được sự tôn trọng của cấp dưới. Cũng vì điều này, hiệu suất của công ty được cải thiện rất nhiều.
Mọi sự thành công của bạn, công lớn nhất thuộc về các đấng sinh thành (Ảnh minh họa)
Nếu một đứa trẻ được bao bọc từ bé, không được tự lập làm mọi việc trong nhà thì dù có giỏi giang đến mấy cũng không thể thành công. Không chỉ thế, được nuông chiều từ bé sẽ sinh tâm lý ỷ lại, chèn ép mọi người theo ý mình. Tính cánh đó không thể tồn tại trong một tập thể.
Chúng ta cần thấu hiểu và biết ơn sự hi sinh của cha mẹ. Họ đã vất vả mưu sinh, kiếm từng đồng để cho chúng ta học hành đàng hoàng, tử tế. Mọi sự thành công của bạn, công lớn nhất thuộc về các đấng sinh thành.
Câu chuyện trên cũng là lời nhắc nhở tới các bậc phụ huynh: Hãy để con em mình được tự lập từ bé, không nên nuông chiều quá mức. Hãy cho con được trải nghiệm để biết thế nào cực khổ, khó khăn. Từ đó con mới trân trọng và biết ơn những gì mình đang có.