Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:03
RSS

Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch

Thứ năm, 19/03/2020, 13:43 (GMT+7)

Nguồn gốc, ý nghĩa của Tết Hàn Thực 3/3 trong văn hóa Việt Nam và những điều thú vị về bánh trôi, bánh chay.

I. Nguồn gốc Tết Hàn Thực 3/3: 

Tết Hàn thực hay còn gọi là Tết bánh trôi bánh chay, rơi vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Trong tiếng Hán, "Hàn" nghĩa là lạnh, "thực" nghĩa là ăn. Như vậy Tết Hàn thực có thể hiểu là ngày tết ăn đồ lạnh. Có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang màu sắc đặc trưng riêng.

Trước ngày 3 tháng 3 Âm lịch khoảng 2 tuần đến 1 tháng, có thể thấy những sạp hàng bán bột làm bánh trôi bánh chay ở mọi khu chợ lớn nhỏ tại Hà Nội Còn món bánh trôi, bánh chay được phục vụ quanh năm ở những khu ẩm thực nổi tiếng, trên những gánh hàng rong, là đồ ăn sáng, là thức ăn nhẹ, ăn vui ăn chơi chẳng cứ là vào Tết Hàn thực.

Ý nghĩa thú vị của bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch

II. Ý nghĩa Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam: 

Bánh trôi, bánh chay dù là để dâng tổ tiên...hay là món ăn chơi đều mang ý nghĩa nhất định với người Việt.

Theo tục lệ, vào ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch, các gia đình người Việt dậy sớm, xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên như một cách để tưởng nhớ người thân vào những ngày cuối xuân. Nếu không tự làm được bột, có thể mua sẵn bột ngoài chợ, mang về nhào bột lại, nặn bánh sao cho tròn, vẫn không làm giảm đi sự háo hức và thiêng liêng khó tả.

Nhắc đến bánh trôi bánh chay, người Việt thường nghĩ đến sự quây quần, sum họp. Vốn là dân tộc đề cao sự gắn kết gia đình và tình cảm ruột thịt, ngày Tết Hàn thực còn là cái cớ để các gia đình Việt ở bên nhau, mỗi người một việc, cùng nấu nồi bánh trôi bánh chay dâng lên tổ tiên.

Nếu như ở thời xa xưa nghèo khó, người ta mong chờ Tết Hàn thực để được ăn bánh trôi bánh chay - món ăn có thể là thứ gì đó rất xa xỉ và thượng hạng, thì ngày nay, ngày Tết này được coi là cơ hội cho bọn trẻ phân biệt đâu là bột gạo, đâu là bột nếp, và giải thích cho chúng về "hiện tượng" thú vị "bảy nổi ba chìm với nước non".

III. Bánh trôi, bánh chay trong văn hóa người Việt:

Bánh trôi, bánh chay của người Việt được làm từ bột gạo nếp ngon với đường phên. Bột gạo nếp được cho vào cối xay với nước cho mịn, lọc lấy phần bột rồi nặn thành các viên bánh tròn, trắng mịn. Phần nhân bánh là những viên đường phên cắt nhỏ. Nếu không có cối xay, bột có thể đem nghiền bằng máy, tuy nhiên bột được xay bằng cối vẫn đem lại hương vị thơm ngon, mềm mịn nhất.

Bánh trôi sau khi nặn xong sẽ được thả vào nồi nước đang đun sôi trên bếp. Khi bánh nổi lên là đã chín, nhanh tay vớt ra để vào thau nước lạnh để bánh nguội và không bị dính nhau. Bánh được xếp ra đĩa và bày lên ban thờ để cúng.

Còn bánh chay cũng được làm từ bột nếp nhưng không có nhân. Bánh được nặn dẹt nhưng bánh rán sau đó đem luộc chín như bánh trôi. Người ta sẽ nấu thêm nước đường với nước, ít gừng cho sánh lại và múc ra bát sau đó thả những viên bánh chay vào là được. Có người còn rắc thêm ít lạc rang cho thơm.

Công thức làm bánh trôi bánh chay khá đơn giản, chỉ cần bột gạo nếp, đường phên và nhân đậu xanh. Nhưng để viên bánh ngon mát, ngọt lành thì bí quyết nằm ở khâu chọn nguyên liệu. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải là loại gạo nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 phần hoặc 9 phần nếp với 1 đến non 2 phần gạo.

Đường để làm nhân bánh trôi ngon nhất phải kể đến đường phên Dương Liễu, Cát Quê. Những miếng đường phên đặc biệt hơn các loại đường thông thường, ấn tượng nhất là miếng đường màu đỏ nâu, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

Cái tài tình của người làm bánh trôi cho ngày Tết Hàn thực là xắt miếng đường sao cho vừa phải, để ăn không quá ngọt, và khi luộc bánh, đường tan vừa đủ. Nếu khi ăn, cắn miếng bánh và thấy lớp đường ngọt mát tứa ra, hòa cùng bột thơm mềm, thì đó là mẻ bánh thành công.

Bánh nặn xong, sẽ được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên "ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh" là được. Sau đó vớt ra và ngâm trong nước lọc đã đun sôi để nguội cho săn trở lại rồi vớt ra bày lên đĩa.

Để làm bánh chay, vẫn lấy bột vừa làm bánh trôi nhưng nhân là nhân đậu xanh nấu chín trộn đường, dừa sợi. Viên bánh chay to hơn bánh trôi và đựng vào bát chứ không dùng đĩa. Để hoàn tất bát bánh chay, người ta còn cần thêm một công đoạn nữa là quấy chút bột đao với bột sắn dây hoa bưởi, đường để chan vào bát bánh.

Tuy nhiên, dù bánh trôi bánh chay truyền thống hay  có sự biến tấu thì Tết Hàn thực vẫn luôn mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất, một nét đẹp văn hóa.

Linh Lan ( T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN