Thứ năm, 25/04/2024 | 21:43
RSS

Xuất hiện thách thức mới trong cuộc chiến chống Covid-19

Thứ tư, 08/04/2020, 19:55 (GMT+7)

Người nhiễm không mang triệu chứng, tức là có mang virus và có thể lây cho người khác nhưng không thể hiện triệu chứng nào đã trở thành thách thức mới trong cuộc chiến chống Covid-19.

Theo thống kê mới đây của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, có khoảng 25% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng lại không hề biểu hiện triệu chứng. Người phát ngôn của tổ chức này nhấn mạnh, đây có thể chính là lý do mà dịch covid-19 lại lây lan với tốc độ chóng mặt ở đất nước này, Dân trí dẫn nguồn tin tham khảo từ WHO và New York Times. 

Với 1/4 số người nhiễm bệnh “vô hình”, nước Mỹ cũng đang cân nhắc thay đổi khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, bởi trước đó các quan chức y tế Mỹ đã liên tục nhắc đi nhắc lại việc những người không có triệu chứng ốm thì không cần thiết phải sử dụng phương tiện phòng hộ này.

Ở quy mô toàn cầu, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về những ca mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy đã được ghi nhận ngay từ khi dịch vừa bùng phát vào tháng 12/2019. Trường hợp của bệnh nhân “Z”, một người đàn ông Quảng Đông, 26 tuổi là một ví dụ điển hình. 

Xuất hiện thách thức mới trong cuộc chiến chống Covid-19
Ca bệnh không triệu chứng là thách thức mới trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh Thời đại.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân “Z” đã tiếp xúc gần với một người đến từ Vũ Hán mắc Covid-19. Mặc dù cũng bị lây nhiễm SARS-CoV-2 nhưng đến 7 ngày hay 11 ngày sau khi tiếp xúc, bệnh nhân “Z” vẫn không hề có một triệu chứng nào của Covid-19. Thậm chí, vào ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc, virus SARS-CoV-2 đã sinh sôi ở cả mũi và cổ họng của anh ta và tải lượng virus ghi nhận được cũng tương đương với các bệnh nhân có triệu chứng.

Ở thời điểm hiện tại, giới khoa học ngày càng dành nhiều mối quan tâm hơn cho nhóm bệnh nhân không có triệu chứng như “Z”, bởi nhóm này thực sự là một thách thức với công tác kiểm soát dịch, vì dù bên ngoài trông khỏe mạnh nhưng họ vẫn có khả năng lây lan SARS-CoV-2 như những người bị ốm và đang phải cách ly điều trị. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, người nhiễm virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cho người khác mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày, trước khi xuất hiện triệu chứng điển hình

Theo số liệu vừa cập nhật từ Zing news, hơn 2/3 số ca nhiễm virus corona được báo cáo ở Trung Quốc đại lục trong 8 ngày từ 31/3 đến 7/4 là những người không có triệu chứng của bệnh, dù chưa thể khẳng định bất cứ điều gì.

Trong tổng số 885 ca nhiễm mới, 601 người không thể hiện triệu chứng rõ ràng, tức tỷ lệ là 68%, theo số liệu mới được công bố bởi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Trong 601 ca này, gần một nửa - 279 ca - được ghi nhận ở tỉnh Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh hồi cuối năm ngoái.

Theo ông Leo Poon Lit-man, chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Hong Kong cho biết, chúng ta thực sự biết được là những bệnh nhân không triệu chứng này có thể đang ở trong giai đoạn trước khi các triệu chứng bộc lộ và có thể lây nhiễm cho người khác dù không thể hiện triệu chứng gì".

"Vì vậy virus vẫn lây lan trong nước... và những bệnh nhân này nên được cách ly, giám sát chặt chẽ", vị chuyên gia nói thêm.

Trước những thực tế này, theo TS Michael T. Osterholm, khi vắc-xin Covid-19 vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, giải pháp tốt nhất để làm dịu đi đại dịch này chính là giãn cách xã hội TS Michael T. Osterholm phân tích: “Bởi vì virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan ngay cả khi bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Do đó việc yêu cầu những người bị ốm tự cách ly ở nhà, cũng như giải pháp hạn chế tiếp xúc với người bị ốm là chưa đủ. Đây cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia đang kêu gọi tất cả mọi người hãy đều đeo khẩu trang”.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN