Thứ hai, 14/10/2024 | 12:30
RSS

Xét xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Thừa nhận được cho hơn 1 tỷ đồng để 'cảm ơn'

Thứ ba, 15/10/2019, 20:51 (GMT+7)

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí thuộc Sở GĐ&ĐT Sơn La) khai đã nhận được tổng số tiền 1 tỷ 40 triệu đồng để "cảm ơn" việc nâng điểm thi.

Chiều 15/10, đại diện VKSND tỉnh Sơn La công bố xong bản cáo trạng vụ gian lận thi cử THPT 2018, chủ tọa phiên tòa Quản Hữu Chiến yêu cầu bảo vệ đưa 27 người làm chứng đến phòng cách ly để đảm bảo tính khách quan của phiên tòa.

Đến 14h20, HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn và bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) là người đầu tiên được gọi lên xét hỏi, theo VTC News.

Bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga cho rằng một số nội dung trong bản cáo trạng chưa đúng, điển hình như việc quét bài thi không phải nhiệm vụ của mình mà là của bị cáo Cầm Thị Bun Sọn. Cáo trạng cũng kết luận bị cáo 2 lần chủ động hẹn mọi người đến để lấy bài thi, nhưng thực tế chỉ 1 lần, lần thứ 2 không hẹn được.

Bị cáo Nga khai nhận, có nhiệm vụ tổng hợp các số liệu của kỳ thi để báo cáo, quản lý đề thi trên máy tính, chấm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Đồng thời, bị cáo này thừa nhận mình sai, theo sự chỉ đạo của bị cáo Trần Xuân Yến dùng phần mềm để xóa dữ liệu trên máy tính, sửa chữa câu trả lời trong các bài thi trắc nghiệm, liên quan đến việc dùng khóa phách bài thi tự luận để nâng điểm.

Theo lời khai của nữ bị cáo, trước kỳ thi khoảng chục ngày, Trần Xuân Yến gọi bị cáo lên phòng làm việc và hỏi làm thế nào để nâng được điểm bài thi trắc nghiệm, vì đang có một số con em trong Sở và của sếp (tức ông Hoàng Tiến Đức - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La).

Xét xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Thừa nhận được cho 1 tỷ để cảm ơnXét xử vụ gian lận thi cử Sơn La: Thừa nhận được cho 1 tỷ để cảm ơn
Chân dung bị cáo Nga. Ảnh: Zing & VTC

Lúc đó, bị cáo trả lời rằng chỉ có cách xóa rồi tô lại, phiếu bài thi không được niêm phong và có sự "tạo điều kiện" của bên công an thì mới có thể rút bài thi được. Nga nói "tạo điều kiện" ở đây tức ngầm hiểu với nhau là những người bảo vệ, giám sát tổ trắc nghiệm.

Trong số 39 thí sinh nâng điểm, có con của em dâu nữ bị cáo. Ngoài ra, Nga được Lò Văn Huynh (Trưởng phòng khảo thí) đưa danh sách 7 trường hợp, Nguyễn Ngọc Hà nhờ sửa điểm thi môn trắc nghiệm của 8 thí sinh theo mức điểm ghi sẵn trong giấy viết tay.

Lời khai của bị cáo Nga tại tòa cũng cho thấy nữ chuyên viên này được Phó giám đốc Trần Xuân Yến nhờ sửa điểm cho hơn chục thí sinh. Trong danh sách ông Yến chuyển đến, bị cáo nhận ra tờ giấy có chữ viết của ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng giáo dục trung học phổ thông.

Một phó giám đốc sở khác là ông Nguyễn Duy Hoàng cũng cung cấp thông tin về con gái để nhờ bà Nga nâng lên 27 điểm. Ba bị cáo cùng hầu tòa đợt này là Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng Khảo thí), Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng (cùng là cán bộ công an tỉnh) cũng nhờ nâng điểm cho 7 thí sinh.

Theo lời khai, chỉ duy nhất ông Trần Văn Diện hứa hẹn đưa tiền khi nhờ bà Nga nâng điểm cho 4 trường hợp. Khi Bộ GĐ&ĐT công bố điểm thi, ông Diện đã đưa hơn một tỷ đồng cho Nguyễn Thị Hồng Nga tại nhà riêng. Đến nay, bị cáo đã nộp lại một tỷ đồng cho cơ quan điều tra, còn Lò Văn Huynh vay 40 triệu đồng còn lại.

Khi chủ tọa chất vấn về động cơ nâng điểm, Nga khẳng định “chỉ giúp đỡ mọi người. Vì quan hệ cấp trên cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp nên hỗ trợ lẫn nhau”, Zing đưa tin.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN