Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:17
RSS

Vụ "thổi giá" phẫu thuật sọ não ở BV Bạch Mai: Mới trả lại tiền cho 86 người

Thứ năm, 22/04/2021, 14:18 (GMT+7)

Đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỉ đồng để trả tiền chênh lệnh 16,5 triệu đồng cho 551 ca thu sai.

Vụ thổi giá gấp 4 lần/ca thuật sọ não ở BV Bạch Mai: Mới trả lại tiền cho 86 người bệnh

Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 24/4, theo nguồn tin trên báo NLĐ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra kết luận, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Quốc Anh - nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng 7 bị can khác gồm: Nguyễn Ngọc Hiền - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy - nguyên trưởng phòng và phó trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền - Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng - thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung - nguyên tổng giám đốc Công ty VFS.

Theo đó, Nguyễn Quốc Anh và 7 bị can nói trên bị truy tố cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự, trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội).

Theo kết quả điều tra, Bệnh viện Bạch Mai là pháp nhân riêng, tự chủ hoàn toàn theo quy định của Bộ Y tế và có thế mạnh là khoa nội. Khi Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị can muốn phát triển khoa ngoại nên thành lập một số khoa như Phẫu thuật thần kinh; Chấn thương chỉnh hình và Cột sống.

Bị can Phạm Đức Tuấn khi biết được điều này đã đến gặp Nguyễn Quốc Anh, nói Công ty BMS của mình là đơn vị phân phối robot phẫu thuật và đề nghị cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai loại Robot Rosa với giá 39 tỉ đồng; loại Robot Mako giá 44 tỉ đồng.

Nhưng Tuấn nói Công ty BMS không bán vì thủ tục của Bộ Y tế phức tạp. Thay vào đó, Tuấn cùng  Nguyễn Quốc Anh thống nhất sẽ để BMS và Bệnh viện Bạch Mai liên doanh lắp đặt robot phẫu thuật với giá do Tuấn đưa ra.

Không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn bệnh viện,  bị can Nguyễn Quốc Anh đã đồng ý việc này. Ngoài ra, Nguyễn Quốc Anh còn chỉ đạo Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty BMS.

Các bên ký Đề án xã hội hóa, trang bị 2 loại robot phẫu thuật nói trên trong đó, Robot Rosa được xác định có giá 39 tỉ đồng vào tháng 1/2017. Trong số tiền này, BMS nhận chi phí khấu hao máy là hơn 23 triệu đồng và chi phí lãi vay hơn 4,1 triệu đồng dù doanh nghiệp này không vay tiền để mua máy móc.

Điều đáng nói là, tại thời điểm Đề án xã hội hóa được ký, Công ty BMS vẫn chưa nhập Robot Rosa. Do đó, để hợp thức hóa, các bị can thuộc Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật Đến ngày 23/2/2017, Robot Rosa mới được Công ty BMS nhập khẩu về từ Pháp, hàng mới 100% và nguyên giá là hơn 7,4 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, cảnh sát còn xác định bị can Phạm Đức Tuấn đã nhiều lần “biếu” tiền, USD trị giá hơn 300 triệu đồng cho Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và 150 triệu đồng cho Phó giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền.

Tính từ tháng 2/2017 - 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng Robot Rosa để thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan cho Công ty BMS liên quan 551 ca bệnh.

Theo cơ quan điều tra, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca. 

Đến thời điểm này, Bệnh viện Bạch Mai mới liên hệ, trả số tiền chênh lệnh nói trên cho 86 người bệnh. Bị can Phạm Đức Tuấn đã nộp 10 tỉ đồng để trả tiền chênh lệnh 16,5 triệu đồng cho 551 ca thu sai.

Riêng với hệ thống Robot Mako, điều tra xác định do đơn vị phân phối rút khỏi thị trường Việt Nam không hỗ trợ phần mềm nên Cty BMS đang bị lỗ. Do đó, cảnh sát không xem xét dấu hiệu vi phạm liên quan loại robot này.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Thời đại