Trao đổi với báo chí, đại tá Bùi Xuân Phong – Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến vụ 8 người chết do ngộ độc rượu ở Lai Châu là vì ngộ độc methanol. Kết quả kiểm tra cho thấy các món ăn tại đám ma không chứa độc tố. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra các nguyên nhân khác gây ngộ độc và nguồn gốc loại rượu chứa methanol này.
Trong khi đó, thông tin chính thức từ chính quyền địa phương cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/2, vụ ngộ độc ở Lai Châu đã khiến 8 người chết, 126 người tới các cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe và có triệu chứng ngộ độc rượu.
Trước đó như thông tin đã đưa, ngày 10/2, gia đình ông Phù Văn Lèng (60 tuổi, ngụ tại bản Tả Chải, thuộc xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) mời nhiều người tới nhà ăn uống. Đến tối cùng ngày, ông Lèng có biểu hiện buồn nôn, đau đầu và tử vong.
Sau khi ông Lèng qua đời, gia đình tổ chức hậu sự và mời dân bản đến ăn cơm, uống rượu theo tập tục địa phương trong vòng 3 ngày từ 11 – 13/2. Sau đám ăn uống, ngày 13/2, nhiều người có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng, giãn đồng tử. Đến tối cùng ngày, 7 người trong bản tử vong.
Theo lời khai của các nhân chứng trong vụ ngộ độc ở Lai Châu, những người tới ăn uống tại đám ma của ông Lèng có ăn kẹo Trung Quốc và uống rượu mua tại xã Sì Lờ Lầu. Một số nạn nhân cho biết họ uống rượu theo bát, trung bình mỗi người uống từ 1 tới vài bát rượu.
Kết quả kiểm nghiệm sau đó cho thấy, chính nồng độ methanol vượt ngưỡng rất nhiều lần trong rượu dùng tại đám ma là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc ở Lai Châu. Đến nay, tình hình sức khỏe của các nạn nhân về cơ bản đã ổn định.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Giang (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu), tất cả các nạn nhân bị ngộ độc trước mắt đang được điều trị hoàn toàn miễn phí do không có bảo hiểm y tế. Ngoài ra, bệnh viện còn cung cấp bữa ăn miễn phí theo chế độ cho người nghèo là 33 nghìn đồng/bữa.
Được biết, ngay sau khi xảy ra vụ ngộ độc rượu ở Lai Châu, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tới các cơ sở y tế để theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Qua đó, các bác sĩ đã phát hiện thêm nhiều trường hợp có triệu chứng ngộ độc rượu nhưng tình hình hiện đã được khống chế.
Đồng thời, chính quyền huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đã thu hồi và tiêu hủy gần 5 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ tại 8 xã biên giới, trong đó có 1 nghìn lít là do người dân tự nguyện giao nộp và tiêu hủy. Nhìn chung, tình hình sức khỏe của các nạn nhân sống sót trong vụ 8 người chết do ngộ độc rượu ở Lai Châu về cơ bản đã ổn định.