Thứ năm, 25/04/2024 | 13:59
RSS

Vụ MC Minh Tiệp bị tố bạo hành em vợ: Vòng vo, mâu thuẫn và sự tổn thương

Thứ ba, 29/05/2018, 11:39 (GMT+7)

Mỗi chúng ta đều mang trong mình một ý niệm về sự thật, về lẽ phải, về sức mạnh và cả sự tổn thương. Khi sự thật chưa sáng rõ, lẽ phải còn chưa được chứng minh thì sức mạnh của lý trí, của sự chân thành và nhân cách phải vươn lên mà thắng thế. Nếu không có những điều đó, sẽ chỉ còn lại sự tổn thương.


Vụ việc MC Minh Tiệp bị tố bạo hành em vợ đang được dư luận quan tâm.

Vòng vo, mâu thuẫn

Những năm gần đây, nhiều vụ việc bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra với các mức độ khác nhau. Từ vụ chủ đầm tôm bạo hành đứa trẻ làm công đến việc các cô giáo mầm non bạo hành con trẻ, khiến dư luận bức xúc, xã hội lên án. Nỗi đau không của riêng ai.

Tuy vậy, những vụ án đó chủ yếu là do người khác tìm ra bằng chứng mà tố cáo. Và đa phần đều rất rõ ràng với những luận cứ đầy đủ. Qua đó, pháp luật cũng nhanh chóng vào cuộc và trừng trị đích đáng những kẻ gây ra tội ác. 

Nhưng mới đây, vụ việc em vợ tố cáo anh rể là MC Minh Tiệp hiện đang công tác tại VTV, đã bạo hành mình nhiều năm qua, cho thấy một chiều hướng mới trong các vụ việc liên quan tới vấn đề này. 

Việc người bị bạo hành tự đứng lên tố cáo là một tín hiệu tích cực trong việc đấu tranh tự bảo vệ bản thân. Hơn nữa, người tố cáo ở đây là một bé gái mới 15 tuổi, lại là tố cáo chính người thân trong gia đình. Có lẽ, phải uất hận lắm, cay đắng lắm thì em ấy mới vùng dậy “đấu tranh” như thế. 

Cũng chính bởi sự việc liên quan đến những người thân nên các tình tiết rất khó tường minh, không thể rạch ròi khi mà các bên cứ phủ định lẫn nhau như trong suốt mấy ngày qua. Các dẫn chứng, các hình ảnh minh chứng cho vụ việc không biết đâu là đúng, là sai. Dư luận không biết tin ai, đâu mới là sự thật. Sự vòng vo, mâu thuẫn là rất lớn.

Ban đầu, nạn nhân là cô bé 15 tuổi tên D lên mạng xã hội “dõng dạc” tố cáo anh rể bạo hành mình với hình ảnh bờ môi bầm tím do bị đánh. Sau đó, anh rể đăng đàn phủ nhận, còn “tố” ngược lại em vợ mình là học sinh hạnh kiểm khá, học lực kém.

Thậm chí, MC này còn nói rằng, em vợ là người ngỗ ngược, quát mắng cả cha mẹ ruột, có ý định đánh cả chị gái.

Chính cha mẹ đẻ và chị gái của người em vợ cũng lên mạng xã hội giải thích, bao che cho chàng MC với lý lẽ, vì bảo vệ vợ và dạy bảo đứa em “ngang tàng” nên anh rể mới nhẫn tâm tát em một cái. Còn chuyện bạo hành nhiều năm liền thì tuyệt nhiên không có.

Trong khi đó, bạn bè, thầy cô của em vợ thì nói, em có học lực tốt, hạnh kiểm tốt, là người vô tư, hiền lành và dễ gần.

Thực là như mớ canh hẹ, dư luận chẳng biết tin ai.

Còn lại là sự tổn thương

MC Minh Tiệp bạo hành em vợ Vòng vo mâu thuẫn và tổn thương 2
Hình minh hoạ

Một khi ở đâu đó còn có sự bạo hành, còn có sự hành xử vô văn hóa, thậm chí thượng cẳng tay, hạ cẳng chân như những kẻ côn đồ, thì ở đó còn có sự đau thương, nước mắt. Khốn cùng hơn, nó lại còn diễn ra trong một gia đình, khi những người thân hành hạ nhau, thì còn có nỗi đau nào hơn thế.

Đã qua rồi cái thời mông muội, con người ta tự cam chịu số phận mà để người khác “dày xéo”, ức hiếp, đánh đập tàn nhẫn. Với sự nhận thức ngày càng cao về pháp luật, về văn hóa ứng xử, về cách bảo vệ bản thân, ngay cả con trẻ giờ cũng thành những “chiến binh” mạnh mẽ.

Khách quan mà nói, với một đứa trẻ đang trong độ tuổi định hình nhân cách, thích thể hiện bản thân thì ít nhiều cũng có những hành động thiếu kiềm chế, ương bướng, khó bảo. Ai trong chúng ta đã trải qua giai đoạn này đều hiểu.

Quan trọng nhất lúc này là sự định hướng của cha mẹ, sự chỉ bảo tận tình của người thân, sự động viên, khích lệ của thầy cô, bạn bè, xã hội để các em hoàn thiện nhân cách theo hướng tròn trịa hơn. Ấy vậy mà dường như vẫn có những nơi, chính người lớn lại không kiểm soát được hành động với con trẻ, dẫn đến gia đình rạn nứt, tình nghĩa phôi pha.

Với những đứa trẻ lớn lên với ký ức bị bạo hành, với sự dối trá, liệu tâm hồn các em có còn thánh thiện được nữa hay không, hay chỉ còn lại sự tổn thương? Với những người lớn khi đánh đập con trẻ, liệu lương tâm có day dứt hay không? 

Các cụ nhà ta vẫn dạy: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Trẻ em chỉ nói sự thật. Nhưng người lớn lại cứ vòng vo, không rõ ràng thì chỉ càng làm con trẻ mất niềm tin vào người lớn, vào cuộc sống. Hệ lụy khôn lường.

Cha mẹ không dạy con nói dối, không dạy con làm điều sai trái, không dạy con hành xử bạo ngược, vô văn hóa thì ít ra cũng dạy con biết nói lên sự thật, đấu tranh bảo vệ sự thật. Ấy mới là cốt lõi, là trân quý.

Mỗi chúng ta đều mang trong mình một ý niệm về sự thật, về lẽ phải, về sức mạnh, và cả sự tổn thương. Khi sự thật chưa sáng rõ, lẽ phải còn chưa được chứng minh thì sức mạnh của lý trí, của sự chân thành và của nhân cách phải vươn lên mà thắng thế.

Nếu không, sẽ chỉ còn lại sự tổn thương là còn theo mãi. Sự thật mới là chân lý. Người lớn hãy soi vào đó mà tự sửa mình, bảo ban con trẻ. Còn con trẻ trông vào đó mà lớn lên, mà hy vọng.

Liệu rằng với những sự việc vừa qua, gia đình em D lựa chọn cho em đi du học thật xa để dẹp yên dư luận giúp cho sự việc lắng xuống nhưng ở đất nước xa xôi kia, khi đang ở độ tuổi 15 với một tâm hồn bị tổn thương từ những cú sốc đầu đời quá lớn kia, liệu có phải là giải pháp tốt nhất cho em?


Xem thêm Clip: VTV tạm thời để BTV Minh Tiệp dừng lên sóng

Anh Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN