Thứ bảy, 20/04/2024 | 07:34
RSS

Vụ học sinh tử vong trên xe ô tô: Xe tắt máy có bấm được còi?

Thứ tư, 07/08/2019, 13:28 (GMT+7)

Khi bị bỏ quên trong xe đã tắt máy, phụ huynh có thể dạy trẻ bấm còi thu hút sự chú ý để thoát hiểm.

Vụ học sinh tử vong trên xe ô tô: Xe tắt máy có bấm còi để thoát hiểm được không?
Có thể bấm còi khi xe ô tô tắt máy để thoát hiểm

Ngày 8/7, sự việc một học sinh lớp 1 ở Hà Nội nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong ở Hà Nội đã để lại niềm đau xót cho bố mẹ, cho các bậc phụ huynh có con đang độ tuổi đi học.

Trong muôn vàn nỗi lo của bố mẹ có con đến trường, nhiều người đã chia sẻ thông tin về kỹ năng sống để thoát hiểm trong trường hợp bị bỏ quên trên xe ô tô.

Theo những thông tin được chia sẻ, khi xe khóa cửa tắt máy thì lượng không khí trong xe cung cấp cho việc thở nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào thể tích từng xe, xe to thì nhiều và ngược lại. Giả sử nếu bị kẹt lại trong xe thì việc cần làm ngay lập tức đó là: 

- Mở cửa kính bên hông xe. 

- Ngay lập tức bấm còi xe liên tục và bấm nút đèn khẩn cấp (nút có hình tam giác ngay trên taplo) để thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, chia sẻ này đã nhanh chóng gây lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội bởi nhiều người cho rằng khi xe ô tô đã tắt máy thì không thể bấm còi.

Trả lời Đời sống Plus về vấn đề này, ông Lê Văn Tạch - cựu kỹ sư của Toyota cho rằng: "Còi xe luôn có điện thường trực bởi được đấu trực tiếp với ác quy. Do đó, người lớn hãy dạy trẻ rằng nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe. Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe".

Cũng theo kỹ sư Tạch, hầu hết các xe ô tô khi đã tắt máy đều có thể bấm còi. Chỉ có rất ít những dòng xe đời cũ của Nga mới không thể bấm vì vậy phụ huynh cần dạy trẻ kỹ năng này để giúp thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó trẻ cũng có thể bấm nút đèn khẩn cấp. Tiếng còi cùng đèn sẽ giúp thu hút sự chú ý.

Khi phát hiện nạn nhân bị ngộ độc khí CO trên ô tô cần phải nhanh chóng mở cửa xe và đồng thời đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và đưa đi cấp cứu vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong là khá cao.

Trường hợp nạn nhân thở yếu, ngừng thở: Phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.

Trường hợp nạn nhân không không còn tỉnh, cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời.

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN