Lãnh đạo phòng giáo dục phải tắt điện thoại vì bão dư luận
Thời gian vừa qua, sự việc UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản điều động nữ cán bộ, giáo viên làm lễ tân phục vụ các hoạt động ngoại khóa của địa phương được dư luận đặc biệt quan tâm.
Bởi theo một số thông tin đã được đăng tải, nhiều giáo viên được điều động làm lễ tân phải đi tiếp khách bằng việc uống rượu, hát hò một cách miễn cưỡng.
Dư luận tỏ thái độ vô cùng bức xúc trước sự việc. Họ cho rằng việc điều động giáo viên làm lễ tân tiếp khách, bắt ép đi uống rượu, hát hò như thông tin đã đăng tải trên một số báo là không đúng.
Nhiều người bày tỏ quan điểm rằng, nhà giáo chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là dạy học, là đào tạo và rèn luyện học sinh chứ không phải kiêm nhiệm thêm cả việc lễ tân, phải đi tiếp khách.
Sự bức xúc của dư luận được đẩy lên cao khi Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Văn Hổ, người kí các văn bản điều động coi đó là chuyện bình thường và ông Lê Bá Thiềm, Trưởng phòng GĐ&ĐT thị xã Hồng Lĩnh cũng thừa nhận việc điều động này.
Khi dư luận dồn sự căm phẫn, bức xúc của họ tới ông Lê Bá Thiềm thì vị Trưởng phòng GĐ&ĐT thị xã Hồng Lĩnh này buộc phải tắt điện thoại, ngừng liên lạc với mọi người.
Ông Lê Bá Thiềm – Trưởng phòng GĐ&ĐT thị xã Hồng Lĩnh
Tuy nhiên, sau nhiều ngày đeo bám, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với người đứng đầu ngành giáo dục thị xã Hồng Lĩnh. Theo ông Thiềm, tất thảy cơ sự đều do hiểu lầm mà ra.
Có sự… hiểu lầm?
Ông Thiềm cho biết, chính xác việc điều động các giáo viên để làm lễ tân là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, tất cả nội dung làm việc của các cô giáo đều được phân công rõ ràng bằng văn bản và có sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh chứ không phải là cưỡng ép.
“Tháng 8/2016, thị xã Hồng Lĩnh có hai sự kiện lớn là Liên hoan dân ca, ví dặm Nghệ Tĩnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào thị xã. Đây là hai sự kiện lớn đối với thị xã, buộc phải điều động toàn bộ cán bộ, nhân viên từ HĐND, UBND thị xã.
Có 22 cán bộ, nhân viên của UBND và HĐND được cử tham gia vào tổ phục vụ, lễ tân của các hội nghị này. Bên cạnh đó, vì thiếu nhân lực nên UBND đã đề nghị Phòng GĐ&ĐT cử thêm 21 giáo viên (có tên trong danh sách do UBND đề nghị) để tham gia vào tổ phục vụ, lễ tân. Các giáo viên hầu hết đều dạy ở các trường tiểu học, mầm non trong địa bàn thị xã.
Mỗi cô giáo làm lễ tân, phục vụ đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng trong văn bản như bưng cờ lưu niệm, giấy khen, rót nước cho đại biểu, phụ trách đón đoàn".
Văn bản điều động của UBND thị xã Hồng Lĩnh
Về việc thông tin đăng tải trên một số báo cho rằng các cô giáo này đều phản ánh về việc sau khi diễn ra các sự kiện, các cô còn phải đi cùng quan khách tới nhà hàng để ăn uống, tiếp bia rượu, hát hò một cách cưỡng ép, trao đổi với PV, ông Thiềm bức xúc cho biết:
“Việc đó là hoàn toàn không có thật. Nhiệm vụ của các cô giáo được phân công phục vụ, lễ tân trong các sự kiện này đều được phân công rõ ràng. Còn việc phải đi ăn uống, hát hò, tiếp bia rượu không nằm trong kế hoạch tổ chức sự kiện của UBND.
Nếu có thì có thể là do nhiều cô có mối quan hệ, quen biết, bạn bè thì có thể đi giao lưu cùng những người trong các đoàn.
Còn việc tổ chức liên hoan, ăn uống không nằm trong kế hoạch của sự kiện, chúng tôi không tổ chức, cũng không quản lý việc này, thông tin đăng tải nhiều ngày gần đây hoàn toàn không chính xác về sự việc, ảnh hưởng rất lớn tới nền giáo dục đào tạo của thị xã Hồng Lĩnh.
Chúng tôi cũng sẽ có ý kiến với lãnh đạo các báo về vấn đề này”.
Không có chuyện ép giáo viên đi tiếp khách, uống bia rượu!?
Còn theo ông Nguyễn Trí Anh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Hồng Lĩnh thì việc điều động giáo viên làm lễ tân phục vụ trong các sự kiện lớn của thị xã là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
“Liên hoan dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư là những sự kiện lớn mà thị xã Hồng Lĩnh đăng cai tổ chức. Chính vì vậy, tất cả các lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của thị xã đều cố gắng hết mình, góp sức vào sự thành công của các sự kiện, thúc đẩy hình ảnh của thị xã Hồng Lĩnh trong mắt bạn bè và các địa phương khác.
Tuy nhiên, việc điều động giáo viên làm lễ tân phục vụ, tiếp khách có thể sẽ khiến nhiều người hiểu sai về vấn đề này nếu chỉ nhìn từ phía ngoài mà không hiểu bản chất của sự việc. Việc bắt ép các cô giáo đi tiếp khách, uống bia rượu và hát hò là hoàn toàn không có.
Chúng tôi là những nhà giáo, là con dân của thị xã Hồng Lĩnh và chúng tôi biết mình nên làm gì để thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với ngành, với địa phương của mình. Những ngày gần đây, thông tin trên báo chí phản ánh khiến cá nhân tôi và những đồng nghiệp của tôi ở Hồng Lĩnh rất buồn và bức xúc.”
Việc UBND thị xã Hồng Lĩnh điều động giáo viên làm lễ tân, phục vụ trong hai sự kiện lớn của địa phương này còn nhiều vấn đề khúc mắc, dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.