Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:00
RSS

Võ sư đánh vợ mới sinh dã man ở Long Biên bị xử lý thế nào?

Thứ tư, 28/08/2019, 16:45 (GMT+7)

Theo luật sư, hành vi đánh vợ dã man của võ sư ở Hà Nội gây xôn xao dư luận sẽ bị xử lý ở khung hình phạt thích đáng...

Võ sư đánh vợ mới sinh dã man ở Long Biên có thể bị xử lý như thế nào?
Người vợ bị chồng là võ sư đánh dã man.

Liên quan đến võ sư Nguyễn Xuân V. (SN 1987) đánh vợ mới sinh, một cán bộ điều tra công an quận Long Biên biết công an sẽ sớm giải quyết vụ việc để ổn định tình hình chung. Cũng theo cán bộ này, công an đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn đối tượng Nguyễn Xuân V. tiếp tục có hành vi nhắn tin đe dọa gia đình nhà vợ.

Chia sẻ với PV, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật Đức An cho biết, theo Điều 42 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì người chồng trong clip đã có hành vi bạo lực gia đình. Đây là hành vi bị cấm theo Luật phòng chống bạo lực gia đình. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Võ sư đánh vợ mới sinh dã man ở Long Biên có thể bị xử lý như thế nào?

Người chồng đánh vợ ngã ra sàn nhà dù trên tay đang bế con nhỏ.

Trường hợp xử phạt hành chính

Theo Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ – CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Nghị định 167/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì người chồng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 1000.000 đồng – 1.500.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi người vợ có yêu cầu.

Trường hợp cấu thành tội phạm

Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi của người chồng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Cụ thể:

Võ sư đánh vợ mới sinh dã man ở Long Biên có thể bị xử lý như thế nào?
Dù ôm con nhỏ nhưng người đàn ông này vẫn không tha cho vợ

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Tội Cố ý gây thương tích theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Do đó, trong trường hợp người vợ có đơn yêu cầu, giám định bị thương tích, cơ quan điều tra vẫn có thể xem xét tiến hành điều tra. Nếu tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Để phòng tránh tình trạng bạo lực gia đình, người vợ bị bạo hành nên thông báo đến Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan Công an để yêu cầu can thiệp đối với hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình.

Bên cạnh đó, nạn nhân khi bị bạo hành cũng có thể liên hệ với các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ để được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ khi bị xâm phạm".

Võ sư đánh vợ mới sinh dã man ở Long Biên có thể bị xử lý như thế nào?
Cháu bé mới 2 tháng tuổi được người vợ bế khi bị chồng đánh.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ bế con nhỏ bị người đàn ông liên tục tát, thậm chí “tung cước” đá.

Người phụ nữ trên là chị Vũ Thu L (SN 1992, hiện đang trú tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội). Chị L kết hôn được 9 năm, hiện có 2 con nhỏ. Bé thứ 2 mới sinh được khoảng 2 tháng. Người “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ là chồng chị L, Nguyễn Xuân V. (một võ sư ở Mê Linh). Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đón chị L. về nhà mẹ đẻ để tiện chăm sóc đồng thời trình báo công an về sự việc.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN