Máy xét nghiệm Realtime PCR tự động của Quảng Nam. Ảnh: LĐ
Ngày 4/5, ông Trần Minh Thái - Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị công bố quyết định thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Đoàn thanh tra gồm có 5 thành viên.
Nhiệm vụ của đoàn là thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động của UBND tỉnh Quảng Nam tại Sở Y tế và Sở Tài chính. Phải có kế hoạch thanh tra và phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật
Trước đó, chiều 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp nghe các sở và doanh nghiệp giải trình việc mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR tự động. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế và ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho rằng quá trình mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PRC tự động với giá 7,2 tỷ đồng là đúng quy định, không có gì khuất tất. Đồng thời,
ông Hai đề xuất phương án trả lại máy cho Công ty Giải pháp Việt, nhưng không được xem xét.
Liên quan đến sự việc này, bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt (trụ sở tại TP Hà Nội) – đơn vị bán máy xét nghiệm giá 7,23 tỷ đồng cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã chia sẻ trên NLĐ.
Theo bà Tuyến, nếu Sở Y tế Quảng Nam trả lại máy xét nghiệm chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty vì máy này đã qua sử dụng, trở thành máy cũ thì khó có thể tiêu thụ được. Tuy nhiên, hiện nay công ty chưa có ý kiến gì về việc có nhận lại máy hay không, vấn đề này phải được cân nhắc, bàn bạc kỹ qua hội đồng cổ đông của công ty vì liên quan đến tài chính và nhiều thứ khác.
Giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ Công ty Phương Đông đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỉ đồng, chi phí hóa chất ước tính 550 triệu đồng, chi phí kỹ sư, chuyên gia và các chi phí khác ước tính 50 triệu đồng. Khi bán máy cho tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của công ty bà là 1,43 tỷ đồng. Sau khi nộp hơn 382,5 triệu đồng tiền thuế, công ty bà thu lợi nhuận hơn 1,04 tỷ đồng (tỉ suất lợi nhuận gần 14,5%).
Về lý do giảm giá từ 7,23 tỷ còn 4,853 tỷ đồng. Bà Tuyến chia sẻ 3 lý do: Thứ nhất, công ty nhập khẩu đồng ý giảm giá sau khi thương thảo lại. Thứ hai, chi phí rủi ro thực tế khi thực hiện hợp đồng thấp hơn so với chi phí rủi ro mà công ty bà tính toán. Thứ ba, công ty giảm lãi suất xuống 0% với mong muốn "đóng góp nhỏ bé để cùng Quảng Nam chống dịch". Bà Tuyến gọi đó là "cái tình".
Bà Tuyến khẳng định công ty bà không nâng khống giá và đề xuất giảm giá hợp đồng xuống 4,8 tỷ đồng, chấp nhận không lấy lợi nhuận để chung tay chống dịch. Nếu công ty bà mua hàng với chi phí 5 đồng rồi tẩy xóa, chỉnh sửa hóa đơn và kê khai là mua hàng với giá 10 đồng với mục đích làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận để trốn thuế thì dư luận mới coi đó là nâng khống giá.
Trước đó, ngày 24/3, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phân bổ 7,56 tỷ đồng cho Sở Y tế tỉnh này mua sắm hệ thống xét nghiệm Real - time PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt sau đó trúng thầu giá 7,23 tỷ đồng.
Liên quan đến việc mua sắp trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19, ngày 22/4, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) và 6 người với cáo buộc gian lận mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động. Nhà chức trách cho biết, khi nhập về Việt Nam giá máy khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lên 7 tỷ đồng.