Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:38
RSS

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục?

Thứ ba, 16/11/2021, 10:56 (GMT+7)

Trước việc thêm 289 ca mắc Covid-19, cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ ra một số lý do.

Sự kiện:
Hà Nội

Lý do nào khiến số ca mắc ở Hà Nội tăng kỷ lục?

Tối 15/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin ghi nhận 289 ca mắc Covid-19 trong đó có 47 trường hợp trong cộng đồng. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 kỷ lục tại Hà Nội kể từ khi dịch bệnh bùng phát tới nay.

Về vấn đề này, sáng 16/11, trao đổi với PV Dân Việt, PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã nêu ra một số lý do.

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục

Một khu tập thể ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội tạm thời bị phong toả sau khi ghi nhận ca dương tính. Ảnh: Gia Khiêm

Cụ thể, theo ông Phu, khi thực hiện mở cửa bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Hà Nội kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt thì việc xuất hiện nhiều ca nhiễm đều đã được dự báo trước.

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục

PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

"Hà Nội thực hiện việc nới lỏng, không 'Zezo Covid' thì người dân đi lại, tiếp xúc nhiều. Việc đi máy bay, tàu hoả có thể kiểm soát được bởi người dân cần xét nghiệm chứ đi đường bộ khó kiểm soát. Thành phố yêu cầu người từ vùng dịch về cách ly, theo dõi tại nhà nhưng có nhiều trường hợp không khai báo y tế, đi nhiều nơi tiếp xúc với nhiều người dẫn đến dễ lây lan, ca bệnh tăng cao", ông Phu cho hay.

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục

Bên trong khu vực cách ly tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, ông Phu cho rằng, thành phố phải chấp nhận có ca nhiễm tăng nhưng ngành y tế Hà Nội cần đánh giá những người đã tiêm vaccine mắc Covid-19 có nặng không? Nếu người bị nặng là bao nhiêu %? Từ đó lên phương án cụ thể, tham mưu cho thành phố để có những biện pháp ngăn chặn, khống chế dịch Covid-19 kịp thời. Hà Nội vẫn phải tiếp tục truy vết, phong toả, xét nghiệm để số ca nhiễm không tăng cao quá, gây quá tải cho bệnh viện.

Hà Nội sẽ không tái sử dụng các Chỉ thị 15,16?

Ông Phu cũng nêu rõ quan điểm, với quy mô lây nhiễm như hiện nay, Hà Nội sẽ không tái sử dụng các Chỉ thị 15 – 16 về việc giãn cách, phong tỏa như trước kia khi tỷ lệ tiêm chủng của toàn thành phố đã đạt khá cao.

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục

Công an lập chốt kiểm soát tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm tại đây. Ảnh: Gia Khiêm

“Tại ổ dịch nào sẽ phong toả ổ đó. Việc tiêm vaccine là để không phải giãn cách cả thành phố, cả nước. Quan trọng của việc tiêm vaccine đó là chấp nhận số ca có thể nhiều nhưng không nặng, không quá tải y tế, không tử vong… Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phương án rút khoảng cách giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca về còn tối thiểu 4 tuần để người dân nhanh chóng đạt 2 mũi cao để phòng bệnh là như vậy”, ông Phu nêu.

Vì sao Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục

Một quán phở ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm tạm thời đóng cửa do có F0 từng đến. Ảnh: Gia Khiêm

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, thành phố vẫn phải tiép tục các biện pháp truy vết, phong toả, xét nghiệm thường xuyên, nhưng phong toả nhỏ nhất để không ảnh hưởng an sinh, xã hội, ảnh hưởng kinh tế người dân.

“Với việc ghi nhận nhiều ca F0 sẽ nhiều F1 nên phải cho người dân cách ly tại nhà, rút ngắn thời gian cách ly từ 21 xuống 14 ngày tại Hà Nội. Hà Nội hiện có nhiều gia đình đủ điều kiện cách ly tại nhà, ý thức người dân cao, y tế cơ sở tốt. Nếu cứ cách ly tập trung thì sẽ bị quá tải và có thể dễ lây nhiễm chéo. Cùng với đó các phương án an toàn như sản xuất an toàn, chợ búa an toàn, hội họp an toàn, thể thao an toàn, giao thông an toàn… phải cụ thể bởi nhỡ không may dịch bùng lên mạnh không thể chống đỡ được”, ông Phu cho biết thêm.

Theo CDC Hà Nội, thành phố hiện có 11 chùm ca bệnh/ ổ dịch. Trong ngày 15/11, cả 11 chùm ca bệnh đều ghi nhận ca mắc mới, đặc biệt có 6 chùm gia tăng nhiều nhất.

Cụ thể: - Ổ dịch phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm ghi nhận 65 ca. Từ ngày 9/11 đến nay có tổng 183 ca. Đây là phường duy nhất của Hà Nội nâng cấp độ dịch lên mức 4, tức màu đỏ, nguy cơ rất cao tính đến ngày 12/11.

- Ổ dịch La Thành, phường Giảng Võ ghi nhận 21 ca, đến nay có tổng 78 ca.

- Ổ dịch liên quan chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm ghi nhận 20 ca. Từ ngày 31/10 đến nay có tổng 252 ca.

- Ổ dịch liên quan đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy ghi nhận 17 ca. Từ ngày 2/11 đến nay có tổng 114 ca.

- Ổ dịch phường Phú La, quận Hà Đông ghi nhận 12 ca. Từ ngày 4/11 đến nay có tổng 78 ca.

- Ổ dịch thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai ghi nhận 10 ca. Từ ngày 13/11 đến nay có tổng 33 ca.

Trong ngày Hà Nội ghi nhận 78 ca bệnh thuộc chùm ho, sốt thứ phát (lây nhiễm từ những người sàng lọc ngoài cộng đồng).

Ngoài ra, thành phố cũng phát sinh 2 chùm ca bệnh mới tại một công trường xây dựng ở quận Hà Đông và chợ Nam Đồng (quận Đống Đa). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố và các quận, huyện liên tục phát thông báo khẩn, tìm người từng đến nhiều địa điểm nguy cơ trên địa bàn. Đến hết ngày 15/11, thành phố phát hiện 145 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 về từ các tỉnh có dịch, từ đó phát hiện 120 ca bệnh thứ phát.

 

Gia Khiêm
Theo Dân Việt