Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:46
RSS

Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng chống dịch bệnh do virus: Quan trọng và cần thiết!

Thứ hai, 30/03/2020, 17:52 (GMT+7)

Theo các chuyên gia có thể sử dụng 2 vị thuốc kim ngân hoa và cam thảo trong nhiều bài thuốc để phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh do virus gây ra.


Các chuyên gia tham gia Tọa đàm, giao lưu trực tuyến: “Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng chống dịch bệnh do virus”. Ảnh: Báo sức khỏe Cộng Đồng

Chiều ngày 30/3, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm, giao lưu trực tuyến: ‘Vận dụng Y học cổ truyền trong phòng chống dịch bệnh do virus’. Buổi tọa đàm nhằm làm rõ hơn công văn của Bộ Y tế về việc phòng chống Covid-19 bằng y học cổ truyền. Đồng thời hướng dẫn cho người dân những kỹ năng cũng như kinh nghiệm cần thiết, có thể áp dụng ngay.

Tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó viện trưởng Viện Y Học ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam); TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam; PGS.TS Hồ Bá Do - Nguyên phó viện trưởng Viện thực phẩm chức năng Việt Nam.

Công văn của Bộ Y tế rất là quan trọng, kịp thời

Theo PGS.TS Hồ Bá Do, đại dịch Covid-19 hiện đã lan ra toàn cầu. Trong bối cảnh này, ngày 17/3, Bộ Y tế đã ra Công văn 1306/BYT-YDCT yêu cầu cần lựa chọn thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền (YHCT) trong phòng, hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do SAR-Cov-2. "Đây là một công văn rất là quan trọng, kịp thời, cấp bách", PGS.TS Hồ Bá Do nhấn mạnh.

"Thứ nhất, đất nước nào trên thế giới cũng đều có nền y học cổ truyền. Việt Nam có nền Y học cổ truyền 4000 năm, trước cả Tây y và đưa lại nhiều lợi ích chăm sóc sức khỏe của người dân. Mạng lưới y học cổ truyền Việt Nam có trên khắp cả nước từ trung ương cho đến phường xã. Số lượng lương y, lương dược Việt Nam cũng nhiều. 
 
Thứ hai, điều trị các bệnh mãn tính và mạn tính đều kết hợp cả Đông Y và Tây Y. Với bệnh Viêm đường hô hấp cấp càng phải cần kết hợp chặt chẽ hơn vì đây là bệnh do virus gây nên, hiện tại dịch bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine, nên cần kết hợp toàn diện các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh.


 PGS.TS. Hồ Bá Do giảng viên cao cấp Học viện Quân Y.Ảnh: Báo Sức Khỏe Cộng Đồng

Y học cổ truyền từ xưa tới nay đã có nhiều bài thuốc chữa ôn bệnh, ôn dịch vào mùa đông, mùa xuân, vì thế thời gian này, vận dụng y học cổ truyền vào hỗ trợ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp là hoàn toàn phù hợp, phù hợp với đường lối của Bộ Y tế và Nhà nước. Y học cổ truyền Việt Nam giúp người dân phòng tránh, nâng cao sức khỏe còn khi nhiễm bệnh thì phải dùng Tây y, đến bệnh viện cách ly chữa trị", PGS cho biết.

Cũng theo PGS Hồ Bá Do, hướng dẫn sử dụng các bài thuốc của Bộ Y tế  rất cần thiết và cơ bản, toàn diện về phòng chống dịch Covid-19.  

"Y học cổ truyền hiện nay đi theo hướng y học chính xác, chính xác đến từng bệnh nhân. Khi xảy ra dịch có phát đồ điều trị chung nhưng khi điều trị cho từng bệnh nhân thì phải bắt mạch kê đơn. Hướng dẫn của Bộ y tế rất là cần thiết, ngắn gọn, xúc tích nhưng chỉ là cơ bản, sơ lược để các các lương y, lương dược dựa vào đó để tham khảo thêm nâng hiệu quả chữa trị.

Tuy nhiên, người dân không tự ý sử dụng các bài thuốc mà phải có sự tham vấn của các lương y. Tức là sau khi bắt mạch cho bệnh nhân thì các lương y, lương dược vận dụng  kinh nghiệm của mình để gia giảm trong các bài thuốc".

Có thể sử dụng kim ngân hoa và cam thảo để nâng cao miễn dịch

Để làm rõ một số thảo dược được nhắc trong các bài thuốc của Bộ Y tế đó là kim ngân hoa và cam thảo, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cho biết, đây là hai vị thuốc dùng rất thường xuyên trong Y học cổ truyền.

Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang thì có trên 300 công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế nhắc về 2 vị thuốc trên. Trong đó, kim ngân hoa có tác dụng kháng khuẩn, kháng nhiều loại virus, kháng viêm, thanh nhiệt, giải độc cơ thể, tăng tiết dịch vị của mật và dạ dày, tăng miễn dịch của cơ thể rất tốt.

Kim ngân hoa trong y học cổ truyền có vị ngọt tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, phòng trách ôn dịch và được áp dụng đối với các chứng viêm, các chứng do virus, các bệnh lý ho, sốt, mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay rất hiệu quả.

Về cam thảo thì cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra tác dụng: giải độc, tốt tế bào gan, kháng viêm, chống ổ loét dạ dày, giảm đau, tăng chức năng tim mạch, thanh nhiệt giải độc.

Trong y học cổ truyền, cam thảo vị ngọt, tính bình có tác dụng bổ trung ích khí, trị khát, thanh nhiệt giải độc, có thể phối hợp với các thuốc khác để tăng tác dụng, có thể giải độc hàng trăm thứ độc vì thế được mệnh danh là vương dược quốc lão.

 


TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đồng thời là chủ nhiệm nhà thuốc Thọ Xuân Đường. Ảnh: Báo Sức Khỏe Cộng Đồng

Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, việc ứng dụng Y học cổ truyền trong dịch Covid-19 là cần thiết.  "Y học cổ truyền rất coi trọng giai đoạn đầu, tức là giai đoạn chưa khởi phát, tức là chữa bệnh khi bệnh chưa phát. Có nhiều bài thuốc sử dụng 2 vị thuốc kim ngân hoa và cam thảo để  phòng bệnh Covid-19, khi phòng bệnh chúng ta có thể sử dụng đại trà. 

Tuy nhiên, khi có dấu hiệu của bệnh Covid-19, người bệnh không nên tự mua thuốc phải được bác sĩ y học cổ truyền bắt mạch, kê đơn thuốc. Tất cả ôn dịch đều có 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh, Giai đoạn khởi phát, Giai đoạn toàn phát, Giai đoạn lui bệnh và phục hồi.

Mỗi giai đoạn ứng dụng một vị thuốc trong điều trị. Nhưng tất cả giai đoạn này đều phải có chỉ định của thầy thuốc, không thể tự mua các vị thuốc này uống được. Phải được bác sĩ bắt mạch, kê đơn, cụ thể để điều trị đúng triệu chứng, nguyên nhân. Do vậy, phối hợp giữa  Đông y và Tây y kết hợp để điều trị hiệu quả nhất.

Đặc biệt, giai đoạn phục hồi rất quan trọng trong Y học cổ truyền. Bệnh nhân Viêm đường hô hấp cấp, sau khi khỏi có tổn thương phổi nên việc phục hồi đối với bệnh nhân sau khi khỏi rất quan trọng. 

Đã từng có công trình nghiên cứu

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết, năm 2017 Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiệu quả công thức của một loại trà có chứa hai loại thảo mộc trên. Công trình này tập hợp từ 300 công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới và trong nước. 


PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó viện trưởng Viện Y Học ứng dụng Việt Nam (Tổng hội Y học Việt Nam). Ảnh: Báo Sức Khỏe Cộng Đồng

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết, công trình này tập hợp từ 300 công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới và trong nước. 

"Chúng tôi tổng hợp phân tích và đưa ra kết luận: Tác dụng chống viêm thông qua các cơ chế ức chế các chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt động của các chất tiền viêm và ức chế hoạt động của các yếu tố nhân kappa B.

Tác dụng chống oxy hóa: Do có chứa các chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng thu nhặt các gốc tự do, kích thích hoạt động của các enzym chống oxy hóa và làm giảm tổn thương do quá trình oxy hóa gây ra.

Tác dụng chống ung thư: Thông qua các cơ chế như kích thích quá trình chết tế bào ung thư theo lập trình, ngăn chặn các tế bào ung thư tăng sinh, ngăn chặn quá trình tạo mạch nuôi khối u.

Tác dụng chống vi khuẩn, virus và chống nấm: Ức chế được các loại vi khuẩn gram âm và gram dương, một số loại nấm và virus, trong đó có các loại vi khuẩn, nấm, virus thường gặp như tụ cầu vàng, E.coli, nấm Candida, virus cúm, virus viêm não Nhật Bản….

Tác dụng dự phòng bệnh tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường: Thông qua cơ chế bảo vệ tế bào beta không để tế bào beta chết theo lập trình; ức chế các chất gây giảm sản xuất và tiết insulin liên quan đến tổng hợp glucose; hỗ trợ giảm đường huyết và mỡ máu.

Tác dụng bảo vệ gan, thanh nhiệt – giải độc và làm giảm các dấu hiệu sinh hóa trong gan.

Tác dụng hạ sốt, an thần, giảm căng thẳng, dự phòng các bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer.

Tác động lên quá trình chuyển hóa: tăng chuyển hóa chất béo, giảm mỡ, có khả năng hỗ trợ giảm cân, giảm ho và đau họng", PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh khẳng định.

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN