Thứ năm, 25/04/2024 | 14:25
RSS

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) 12 quả giá 200.000 đồng được trồng thế nào?

Thứ sáu, 28/06/2019, 12:22 (GMT+7)

Năm 2019 tại Bắc Giang xuất hiện vải thiều hữu cơ ở Lục Ngạn có giá bán lên tới 200.000 đồng/12 quả (gần 17.000 đồng/quả).

Vải Lục Ngạn (Bắc Giang) 12 quả giá 200.000 đồng được trồng thế nào?
Vải thiều hữu cơ Lục Ngạn đóng hộp 12 bán được bán với giá cao chưa từng có (Ảnh: Doanh nghiệp VN)

Chỉ còn vài ngày nữa Bắc Giang sẽ chính thức kết thúc vụ thu hoạch vải thiều năm 2019. Theo Vietnamnet, sản lượng vải năm nay ước tính chỉ đạt khoảng 93.000 tấn, trong khi năm ngoái là 150.000 tấn.

Đặc biệt, năm nay tại Bắc Giang xuất hiện vải thiều hữu cơ ở Lục Ngạn có giá bán lên tới 200.000 đồng/12 quả (gần 17.000 đồng/quả). Loại vải thiều này được lắp camera chăm sóc theo quy trình hữu cơ do doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất tại các xã Giáp Sơn, Quý Sơn. 

Năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20ha. Không chỉ lắp camera giám sát, các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ đều có nhật ký chăm sóc điện tử.

Vải thiều hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội như an toàn cho người phun, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả vải ngon hơn, ngọt và thơm hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí trên, vải thiều hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư và chi phí nhiều hơn ở khâu phân bón, nước tưới và kỹ thuật chăm sóc. Đó cũng là lý do khiến giá vải thiều hữu cơ Lục Ngạn có giá cao ngất ngưởng.

Vải Lục Ngạn (Bắc Giang) 12 quả giá 200.000 đồng được trồng thế nào?
Vườn vải thiều hữu cơ ở Lục Ngạn

Mặc dù giá khá đắt đỏ song vải thiều hữu cơ vẫn được mọi người tranh nhau mua mà doanh nghiệp không có hàng để bán.

Vải thiều hữu cơ được đóng hộp sang trọng. Bên ngoài hộp có dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại tra cứu theo phần mềm sẽ ra toàn bộ thông tin về sản phẩm.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, số lượng vải thiều hữu cơ cao cấp chỉ có khoảng 500 hộp để bán cho khách hàng trong nước và rất đắt hàng. Qua lần trồng thí điểm thành công này, nhiều doanh nghiệp đã ngỏ ý tham gia liên kết với nông dân để trồng vải theo mô hình hữu cơ. Thời gian tới, lãnh đạo huyện Lục Ngạn sẽ ngồi làm việc, thống nhất với từng doanh nghiệp và đưa họ đi khảo sát vùng trồng.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN